Tai Sao va Nhu The Nao

1000 Câu hỏi tại sao

02:32 1XeHoi.Com 0 Comments


1000 Câu hỏi tại sao

Alfred Bernhard Nobel (21/10/1833 – 10/12/1896) là một nhà hóa học, một nhà kỹ nghệ, người có hơn 350 phát minh trong đó nổi bật nhất là thuốc nổ (dynamite) và một triệu phú người Thụy Điển. Nguyên tố hóa học

Nobelium được đặt theo tên của ông.


Giải thưởng Nobel là giải thưởng vô cùng danh giá. Trước khi mất đi, Nobel đã để lại 94% tài sản của mình (khoảng 235 triệu USD/250 triệu USD – con số đã được điều chỉnh theo lạm phát) để làm giải thưởng về các lĩnh vực : Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Được quản lý bởi quỹ Nobel, cho tới nay tài sản để lại của Nobel đã được sinh sôi nảy nở lên tới hơn 500 triệu USD. Mỗi người khi được trao giải Nobel sẽ được nhận một huy chương bằng vàng thật, bằng chứng nhận và số tiền trên 1 triệu USD. Nhận giải có thể là một cá nhân hoặc nhóm không quá 3 người Câu hỏi được đặt ra từ lâu nay là tại sao Nobel lại không trao giải cho các thành tựu nghiên cứu Toán học? Lời đồn thổi dễ thấy nhất ở khắp mọi nơi là do vợ/vợ sắp cưới/người yêu của ông đã bỏ ông đi theo một nhà toán học danh tiếng, do vậy Nobel cảm thấy bị xúc phạm và không trao giải thưởng cho môn Toán (trong khi lại trao giải cho Lý, Hóa).
Thực sự thì không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh được điều này. Trong cuộc đời của Alfred Nobel, có 3 người phụ nữ đặc biệt. Người đầu tiên là Alexandra, người đã từ chối lời cầu hôn của Nobel. Thư ký của
Nobel, Bertha Kinsky là người phụ nữ thứ 2 nhưng cô này đã quyết định cưới người yêu cũ của mình. Sau đám cưới, Kinsky và Nobel vẫn giữ quan hệ rất tốt. Người thứ 3, người phụ nữ đã có quan hệ với Nobel tới 18 năm qua thư từ và chỉ là thư từ là bà Sophie Hess. Kết thúc cuộc đời, Nobel không hề kết hôn với bất cứ người phụ nữ nào. Cả 3 người phụ nữ này đều chẳng liên quan tới bất cứ một nhà toán học nào như lời đồn thổi.

Lý do mà Nobel không trao giải cho môn Toán có lẽ là vì ông chẳng quan tâm tới môn này, hay rõ hơn là vì ông chỉ trao giải cho những bộ môn/lĩnh vực mà ông quan tâm. Vật lý và Hóa học là hai bộ môn Nobel nghiên cứu rất nhiều, Văn học thì là sở thích của ông. Y học cũng là một ngành mà Nobel nhìn nhận sẽ giúp ích được cho thế giới sau này rất nhiều. Giải thưởng Nobel về Hòa bình là do bà Kinsky, một trong 3 người phụ nữ của Nobel đề xuất với ông bởi lúc đó Nobel được coi là người giúp tạo ra chiến tranh ở khắp nơi (do bằng sáng chế về thuốc nổ của ông) và giải thưởng về Hòa bình sẽ làm thay đổi nhận thức của mọi người về ông.

Trên thực tế, rất nhiều người nhìn nhận giải thưởng Field (mà giáo sư Ngô Bảo Châu mới vinh dự nhận được gần đây) là giải thưởng thay thế cho giải Nobel Toán học. Tuy nhiên, quan niệm này không thật chính xác bởi giải Field chỉ được trao 4 năm một lần (trong khi giải Nobel trao 1 năm một lần), số tiền thưởng của giải Field chỉ là 15.000 USD (so với giải Nobel là 1 triệu USD) và giải Field thường không trao cho một thành tựu nghiên cứu xuất sắc đơn lẻ mà trao cho cả quá trình nghiên cứu xuất sắc. Đương nhiên, giải Field vẫn là một giải thưởng cực kỳ danh giá về Toán học nhưng nói một cách chính xác thì giải Abel do vua Nauy chủ trì với giải thưởng lên tới 1 triệu USD và người được giải được chọn bởi 5 nhà toán học có uy tín trên thế giới mới là giải thưởng tương đương với giải Nobel.


Tại sao mệnh giá đồng tiền là 200, 500, 1000, 2000, 5000 ... mà không phải là 300, 3000, 4000...

Ví dụ, đối với tiền Việt Nam là 100đ, 200đ, 500đ, 1000đ, 2000đ, 5000đ..., đối với đồng Euro của Châu Âu là 1c (cent), 2c, 5c, 10c, 20c, 50c, 1€ (euro), 2€, 5€, ..., đối với đồng tiền Nam Phi là 1c, 2c, 5c, 10c, 20c, 50c, 1R (Rand), 2R, 5R... Có thể nói đây là một cơ cấu mệnh giá tối ưu được nhiều quốc gia sử dụng cho đồng bản tệ của mình.

Lý do: Người ta chỉ phát hành những tờ tiền mệnh giá mang số 1, 2, 5 (và các số 0) mà không dùng các số khác tại vì nó là ước số của 10 (100, 1000, 10000,...) nên dễ kiểm đếm, tính toán.

Tại sao chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình

Trong Kinh Thánh có đoạn như thế này: “Thượng đế Jehova tạo ra người nam là Adam, rồi lại lấy một cái xương sườn của Adam tạo ra con người nữ Eva, nhờ đó con cháu của họ sinh sôi nảy nở và làm ăn sinh sống rất hưng thịnh

Nhưng trong nhân loại lại sản sinh ra những kẻ tham đồ hưởng lạc, không nghĩ tới chuyện cần cù lao động, vì thế mới nảy sinh những tội lừa bịp, hủ hoá và bạo lực, phong khí đạo đức của nhân loại bắt đầu hủ hoại. Thượng đế nổi giận, quyết định dùng nạn hồng thuỷ để huỷ diệt thế giới này.

Nhưng cháu đời thứ chín của Adam là Noe, tộc trưởng của tộc Hebrơ là một người hết sức trung thành với Thượng Đế. Ông chủ trương giữ trọn chính nghĩa, căm ghét sâu sắc các điều ác trong loài người.

Một hôm Thượng Đế bảo Noe rằng mặt đất sắp bị hồng thuỷ nhấn chìm. Noe phải lập tức làm một con thuyền hình vuông có ba tầng để tránh nạn. Noe tuân theo lời căn dặn của Thượng Đế, làm xong chiếc thuyền hình vuông, đưa tất cả mọi người trong gia đình cùng với gia súc, gia cầm trong nhà đưa lên thuyền.

Trận hồng thuỷ kéo dài 150 ngày, ngập chìm tất cả núi cao và nhà cửa, làm chết vô số người, chỉ riêng có gia đình Noe là được an toàn, vô sự. Đến khi nước sắp sửa rút, Noe quyết định thả con chim bồ câu cho nó đi thám thính, nhưng con chim chỉ lượn hết một vòng rồi bay về. Noe biết rằng khắp các nơi vẫn còn là nước, cho nên con chim không có chỗ nào để đậu. Vài ngày sau, Noe lại thả chim bồ câu. Lúc con bồ câu trở về, trên mỏ nó ngậm nhánh trám mầu lục, Noe nhìn thấy thế hết sức sung sướng, và điều này chứng tỏ nước lụt đã rút để lộ ra những nhánh cây non nhô lên khỏi mặt nước, thế là ông đưa tất cả gia đình trở về lục địa, bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới”.

Chuyện con chim bồ câu và nhánh trám báo trước cuộc sống hoà bình và an ninh đã theo Kinh Thánh mà được phổ biến ra toàn thế giới. Đến những năm 30 thế kỷ XVII, ở châu Âu nổ ra một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 30 năm trời, làm cho châu Âu, đặc biệt là nhân dân Đức chìm trong đau thương trầm trọng. Thời bấy giờ, tại một số thành thị ở nước Đức, lưu hành một thứ khăn kỷ niệm, trên vẽ hình con chim bồ câu ngậm một nhành trám, phản ánh nguyện vọng mong chờ hoà bình của nhân dân, vì thế con chim bồ câu và nhánh trám đã tượng trưng cho hoà bình.

Sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, nhà hoạ sỹ lớn Picasso đã vẽ một con chim bồ câu trắng đang bay, gửi tặng Đại hội Hoà bình toàn thế giới, người ta gọi con chim bồ câu này là Chim bồ câu hoà bình.

Tại sao tháng 2 thường chỉ có 28 ngày?

Tháng trong lịch dương được phân thành hai loại: tháng đủ và tháng thiếu, tháng đủ có 31 ngày, tháng thiếu chỉ có 30 ngày. Nhưng duy nhất tháng 2 là chỉ có 28 ngày, có năm lại có 29 ngày, tại sao lại như vậy?

Nói ra thì thật buồn cười, quy định này rất hoang đường

Năm 46 trước Công nguyên, thống soái La Mã Julius César khi định ra lịch dương, quy định ban đầu là mỗi năm có 12 tháng, tháng lẻ là tháng đủ, có 31 ngày; Tháng chẵn là tháng thiếu, có 30 ngày. Tháng 2 là tháng chẵn lẽ ra cũng phải có 30 ngày. Nhưng nếu tính như vậy thì một năm không phải có 365 ngày mà là 366 ngày. Do đó phải tìm cách bớt đi một ngày trong một năm.

Vậy thì bớt đi một ngày trong tháng nào?


Lúc đó, theo tập tục của La Mã, rất nhiều phạm nhân đã bị xử tử hình, đều bị chấp hành hình phạt vào tháng 2, cho nên mọi người cho rằng tháng đó là tháng không may mắn. Trong một năm đã phải bớt đi một ngày, vậy thì bớt đi một ngày trong tháng 2 , làm cho tháng không may mắn này bớt đi một ngày là tốt hơn. Do đó tháng 2 còn lại 29 ngày, đó chính là lịch Julius.

Sau này, khi Augustus kế tục Julius César lên làm Hoàng đế La Mã. Augustus đã phát hiện ra Julius César sinh vào tháng 7, theo lịch Julius thì tháng 7 là tháng đủ, có 31 ngày, Augustus sinh vào tháng 8, tháng 8 lại luôn là tháng thiếu, chỉ có 30 ngày. Để biểu thị sự tôn nghiêm như Julius César, Augustus đã quyết định sửa tháng 8 thành 31 ngày. Đồng thời cũng sửa lại các tháng khác của nửa năm sau. Tháng 9 và tháng 11 ban đầu là tháng đủ thì sửa thành tháng thiếu. Tháng 10 và tháng 12 ban đầu là tháng thiếu sửa thành tháng đủ. Như vậy lại nhiều thêm một ngày, làm thế nào đây? Lại lấy bớt đi một ngày trong tháng 2 không may mắn nữa, thế là tháng 2 chỉ còn 28 ngày.

Hơn 2.000 năm trở lại đây, sở dĩ mọi người vẫn tiếp tục dùng cái quy định không hợp lý này chỉ vì nó là một thói quen. Những người nghiên cứu lịch sử trên thế giới đã đưa ra rất nhiều phương án cải tiến cách làm lịch, họ muốn làm cho lịch được hợp lý hơn.

Trái đất có từ bao giờ?

Hệ Mặt trời được hình thành từ đám “tinh vân nguyên thuỷ” có dạng hình đĩa tròn xoay vòng với nhiệt độ cao tới 2.000 độ C trên vị trí của Trái đất. Tinh vân này do các nguyên tử, phân tử, hạt chất rắn (bụi vũ trụ), chất khí dạng ion hợp thành. Theo đà nguội lạnh đi của tinh vân, bụi vũ trụ ở xung quanh. Mặt trời nguyên thuỷ ngưng tụ thành các khối chất rắn, lắng đọng trên mặt phẳng của đĩa (xích đạo).

Bụi vũ trụ chủ yếu do vân thạch silicat các hợp chất có chứa sắt v.v… tạo thành. Thành phần của vân thạch và của Mặt trời giống nhau. Điều đó chứng tỏ bụi vũ trụ và Mặt trời vốn là từ cùng “tinh vân” hình thành mà ra.

Sau khi các hạt chất rắn lắng đọng vào trong khoảng thời gian 10 triệu – 100 triệu năm, do sự cân bằng giữa sức hút của Mặt trời và lực ly tâm mà hình thành các hành tinh loại Trái đất chủ yếy do vân thạch tụ tập lại ở vùng gần Mặt trời. Ở vùng xa Mặt trời thì hình thành các hành tinh kiểu sao Mộc do khi vũ trụ và các hạt băng tụ tập lại. Về tuổi tác của vân thạch và của Mặt trăng, dựa vào kết quả các nguyên tố có tính phóng xạ mà chúng chứa như urani, thori… cho là 4,6 ty tuổi. Đó cũng là tuổi tác của hệ Trái đất và hệ Mặt trời.


Ông già Noel trong truyền thuyết là ai?


Ngày 25 tháng Mười Hai mỗi năm là ngày lễ Noel. Hôm ấy ông già Noel sẽ tặng quà cho các cháu nhỏ, đó là sự việc thích thú nhất đối với các cháu nhỏ trong lễ Noel.

Ông già Noel trong truyền thuyết là một ông già có dáng vẻ rất nhân từ phúc hậu. Chiếc mũ đỏ, bộ râu dài trắng như tuyết, trên mình mặc một chiếc áo khoác có cổ lông màu trắng, lưng thắt chiếc dây lưng bằng da đen, chân đi đôi ủng. Hàng năm, cứ đến đêm trước Noel, ông già Noel đi trên một chiếc xe trượt tuyết có các chú hươu kéo từ phương Bắc tới, rồi vào từng nhà qua các ống khói để đem quà Noel bỏ vào trong bít tất của các cháu nhỏ.

Người ta cho rằng ông già Noel là hoá thân của thánh Nicola ở thành Mila, Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi còn trẻ, thánh Nicola đã dùng những món tiền lớn được bố mẹ để lại mang đi giúp đỡ người nghèo khổ. Ở quê ông có một cụ già có ba cô con gái, vì gia cảnh bần hàn không có tiền làm lễ cưới, cho nên cả ba cô đều không thể đi lấy chồng được. Sau khi biết chuyện này, thánh Nicola lén tới nhà cụ già, leo lên mái nhà, tới ống khói và ném một túi tiền vàng nhỏ xuống, túi tiền rơi ngay vào chiếc bít tất dài mà các cô gái treo trên vách bếp lò. Sau khi có được tiền, ba cô gái đã có thể lấy chồng và có cuộc sống hạnh phúc.

Câu chuyện này đã được lưu truyền và về sau cứ đến lễ Noel, trước khi đi ngủ các cháu nhỏ không quên đặt bít tất của mình bên cạnh giường để cụ già Noel bỏ quà vào đó cho mình.


Tại sao các hoàng đế của nước Nga được gọi là Sa hoàng?



Về vấn đề này, đầu tiên phải nói tới nhà độc tài của thành La Mã thời cổ đại Cesar. Năm 45 trước Công nguyên, Viện Nguyên Lão La Mã đã dựa vào chiến công của Cesar cũng như quyền thế và tài sản cực lớn của ông ta để tuyên bố Cesar là nhà độc tài trọn đời. Tuy rằng hồi bấy giờ, La Mã theo thể chế cộng hoà cổ đại, nhưng quyền lực cá nhân của Cesar đã lên tới đỉnh cao.

Sau khi ông chết đi, tên của ông đã trở thành từ tượng trưng cho kẻ độc tài, cho kẻ quân chủ chuyên chế, vì thế nhiều tay quân chủ chuyên chế ở các nước phương Tây đã dùng Cesar làm danh hiệu của mình, để nói lên quyền thế và uy lực tối cao của mình.

Ngày 16 tháng giêng năm 1547, hoàng đế Ivan Đệ Tứ của nước Nga (cũng gọi là Ivan Hung Bạo) lên nắm quyền. Tước hàm chính thức của ông là Đại công tước Moxcva và toàn cõi Nga. Ivan Đệ Tứ đã không thoả mãn với cái tước hiệu Đại công tước, vì thế lúc đội mũ miện, ông tự xưng là Sa hoàng. Chữ Sa là chuyển âm của từ La tinh Cesar, tức là ông ta tự coi mình là Cesar và tỏ ý rằng mình sẽ trở thành độc tài của toàn cõi Nga, xây dựng lại một đế quốc cường thịnh như La Mã xưa. Từ đó Sa hoàng trở thành danh hiện của các quân vương ở Nga. Còn nước Nga trở thành “Nước Nga của Sa hoàng”.

Năm 1721, Pitotr Đại Đế đổi danh hiệu là Hoàng đế, nhưng nói chung người ta vẫn gọi ông là Sa hoàng và có khi dùng cả Sa hoàng lẫn Hoàng đế

Trái đất tự quay một vòng có đúng một ngày không?

Thời gian Trái đất tự quay một vòng là 23 giờ 56 phút, nhưng một ngày trên Trái đất lại có tới 24 giờ. Đây chẳng phải là mâu thuẫn sao?

Một ngày trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, chính là thời gian luân chuyển ngày đêm một lần. Dùng tiêu chẩn gì để tính một cách chính xác nhất sự dài ngắn của một ngày?

Các nhà thiên văn học lựa chọn Mặt trời qua tuyền Tí Ngọ (đường nam bắc), cũng chính là khi Mặt trời đạt đến vị trí cao nhất so với mặt đất làm tiêu chuẩn tính thời gian. Thời gian giữa lần này Mặt trời đi qua tuyến tí ngọ và lần tiếp theo đi qua cũng một điểm trên tuyến Tí Ngọ chính là một ngày, thời gian trung gian cần thiết là 24 giờ.

Nếu Trái đất chỉ tự quay mà không quay xung quanh các thiên thể, như vậy, do sự tự quay của Trái đất, thời gian Mặt trời đi qua tuyến Tí Ngọ hai lần, chính là thời gian Trái đất tự quay một vòng.

Trên thực tế, khi Trái đất tự quay cũng đồng thời quay xung quanh Mặt trời. Sau khi Trái đất tự quay một vòng, do nguyên nhân của việc quay xung quanh thiên thể, Trái đất sẽ không ở chỗ cũ nữa, mà di chuyển từ điểm thứ nhất đế điểm thứ hai trên bản đồ. Điểm mà lần đầu tiên hướng về phía Mặt trời, sau khi Trái đất tự quay một vòng vẫn chưa hướng về phía Mặt trời lần tiếp theo (mũi tên màu đen trên bản đồ để chỉ hướng), cần phải đợi Trái đất quay thêm một góc độ nhỏ nữa mới hướng về phía Mặt trời. (Mũi tên màu xám trên bản đồ chỉ phương hướng). Thời gian Trái đất tự quay quanh góc độ này, cần khoảng 4 phút.

Trong thời gian hai lần Mặt trời đi qua tuyến Tí Ngọ, thực tế Trái đất chỉ quay được hơn một vòng một chút. Quãng thời gian này mới là một ngày – 24 giờ, trong cuộc sống của chúng ta.

Như vậy, sau khi Trái đất quay một vòng xung quanh Mặt trời, thì thực tế số vòng Trái đất tự quay nhiều hơn số ngày trong một năm là một lần.

Ở đâu các vật nặng hơn?

Càng lên cao, lực Trái đất hút các vật càng giảm, vì thế, chúng càng nhẹ đi. Nếu vượt ra khỏi bầu khí quyển của Trái đất, trọng lượng của vật sẽ bằng 0. Suy ngược ra, bạn có thể cho rằng càng vào sâu trong lòng đất, vật càng nặng hơn. Chú ý nhé, điều này hoàn toàn là ngộ nhận!

Trái đất hút những vật thể bên ngoài y như toàn bộ khối lượng của nó tập trung ở tâm. Theo định luật vạn vật hấp dẫn, lực hút giảm tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách, càng lên cao, lực hút của Trái đất lên các vật càng yếu đi.

Nếu đưa quả cân 1 kg lên độ cao 6.400 km, tức là dời nó ra xa tâm Trái đất gấp hai lần bán kính Trái đất, thì lực hút sẽ giảm đi 2 mũ 2 lần, tức là 4 lần, và quả cân treo vào cân lò xo sẽ chỉ nặng cả thảy 250 gram, chứ không phải 1 kg. Nếu đem quả cân đi xa mặt đất 12.800 km, tức là xa tâm Trái đất gấp 3 lần, thì lực hút giảm đi 9 lần, quả cân 1kg lúc này chỉ còn nặng 111 g…

Từ tính toán trên, tất bạn sẽ nảy ra ý kiến cho rằng khi đưa quả cân vào sâu trong lòng Trái đất, tức là khi đưa vật tiến về tâm, thì ta phải thấy sức hút tăng hơn, hay khi đó quả cân nặng hơn. Song, thực tế, vật thể không tăng trọng lượng khi đưa vào sâu trong lòng Trái đất, mà ngược lại, nhẹ đi.

Sở dĩ như thế là vì bây giờ vật thể không còn chịu sức hút từ một phía nữa, mà là từ nhiều phía trong lòng đất (dưới, trái, phải…). Rút cục, các lực hút của quả cầu có bán kính bằng khoảng cách từ tâm Trái đất đến chỗ đặt đồ vật là có giá trị. Vì vậy, càng đi sâu vào lòng Trái đất thì trọng lượng của vật càng giảm nhanh. Khi tới tâm Trái đất, vật trở thành không trọng lượng.

Như thế, ở trên mặt đất, vật sẽ nặng hơn cả (1)

(1) Tình hình xảy ra đúng như thế nếu Trái đất hoàn toàn đồng nhất về khối lượng riêng. Nhưng trên thực tế, khối lượng riêng của Trái đất tăng lên khi vào gần tâm: Vì vậy, khi vào sâu trong lòng Trái đất thì thoạt đầu trọng lực tăng lên một khoảng nào đó, rồi sau đó mới bắt đầu giảm.

Tại sao phụ nữ Ấn Độ thích điểm một nốt ruồi giữa hai hàng lông mày?



Thích làm cho mình đẹp thêm, đó là bản tính của con người. Phụ nữ thì lại càng như thế. Nhưng ở những nước khác nhau thì cách phụ nữ theo đuổi cái đẹp cũng là không giống nhau. Chẳng hạn như ở Ấn Độ phụ nữ thích tô một điểm màu đỏ to bằng hạt đậu ở ngay giữa trán. Người Ấn Độ cho rằng ở giữa hai hàng mi và điểm một vết như thế thì việc đó tượng trưng cho một niềm vui, cũng là một sự may mắn. Vì thế họ gọi những vết như thế là “nốt ruồi may mắn”.

Vết to giữa hai con mắt còn cho thấy rõ thân phận của những người phụ nữ Ấn Độ. Ở Ấn Độ, chỉ những người phụ nữ đã có chồng mới được điểm nốt ruồi may mắn. Vào đúng ngày lễ thành hôn, chú rể tự tay dùng su xa điểm nốt ruồi may mắn lên trán cô dâu để biểu thị cô gái đã làm lễ thành hôn.

Nếu như sau khi kết hôn rồi mà người phụ nữ nào còn chưa điểm nốt ruồi may mắn này thì họ sẽ bị các bậc cha mẹ, cô chú và họ hàng thân thuộc chỉ trích, cho rằng họ cố ý lừa dối chồng mình, thậm chí những người khác còn có thể hoài nghi không biết chồng của người đàn bà này có còn sống không?

Tất nhiên, những người vợ chưa cưới và đàn bà goá chồng thì không được điểm nốt ruồi may mắn.

Tuy nhiên, theo đà phát triển và sự tiến bộ của xã hội ngày nay thì phạm vi của những người phụ nữ được điểm nốt ruồi may mắn cũng đã được mở rộng. Một số trẻ nhỏ và các cô gái chưa chồng cũng điểm nốt ruồi may mắn.

Hơn nữa, người ta lại còn đòi hỏi hình trạng và màu sắc của nốt ruồi may mắn phải phù hợp với từng khuôn mặt, từng kiểu tóc và cả phục trang nữa. Như thế có thể nói rằng những khuôn mặt, kiểu tóc và phục trang khác nhau đòi hỏi phải có những nốt ruồi may mắn khác nhau và loại nốt ruồi may mắn này có tác dụng trang sức.

Lại còn có một số người làm bố làm mẹ ở Ấn Độ điểm cho con cái một nốt ruồi đen ở giữa hai hàng mi. Điều này có nguyên nhân là gì vậy? Vốn là những người bố người mẹ này lo lắng nếu như con cái họ khoẻ mạnh và thông minh thì dễ dàng bị ma quỷ để ý và có khả năng gặp những điều bất hạnh, thậm chí có thể bị chết yểu. Nếu như điểm thêm cho con cái một nốt ruồi đen ở giữa hai con mắt như thế thì sẽ làm cho chúng nó bớt vẻ đáng yêu và như thế cũng giúp cho chúng đỡ gặp phải những điều bất hạnh. Rõ ràng các trường hợp điểm nốt ruồi này nhằm mục đích tránh và tiêu trừ tai hoạ.

Tại sao dưới triều nhà Thanh, đàn ông đều để bím tóc?


Qua phim ảnh, chúng ta thường thấy đàn ông dưới triều nhà Thanh không để một sợi tóc nào từ trán lên tới đỉnh đầu, nhưng đằng sau lại có bím tóc bện rủ dài xuống dưới lưng.

Chúng ta biết rằng vương triều nhà Thanh là do người Mãn sáng lập. Dân tộc Mãn vốn có tên là Nữ Chân. Ngay từ thế kỷ XII, họ đã lập ra nhà Kim ở phương Bắc. Đàn ông để bím tóc là tập quán có từ thời nhà Kim.

Năm 1664, người Mãn vượt Sơn Hải Quan, đánh chiếm Bắc Kinh, bắt đầu xây dựng chính quyền thống trị toàn cõi Trung Quốc, tức là vương triều nhà Thanh. Nhưng so với dân tộc Hán thì người Mãn chỉ là một dân tộc thiểu số sống trên đất Trung Quốc, trong lịch sử đã bị người Hán thống trị.

Giai cấp thống trị Mãn Thanh biết rằng để xây dựng quyền thống trị tuyệt đối của dân tộc người Mãn trên toàn cõi Trung Quốc mênh mông, làm cho tất cả người Hán đều phải thần phục dân tộc Mãn, mà chỉ hoàn toàn dựa vào việc thành lập một cơ cấu chính quyền các cấp thì chưa đủ. Vì thế triều đình nhà Thanh đã ban bố một loạt các chính sách kỳ thị dân tộc để xác lập từ trong tâm lý ý thức về quyền uy của dân tộc Mãn, và trong các chính sách này đã có lệnh cắt tóc.

Lệnh cắt tóc tức là cưỡng bức tất cả những người đàn ông thuộc dân tộc Hán phải bắt chước tập quán của dân tộc Mãn, là cắt hết tóc từ trán lên đỉnh đầu, nhưng để cho tóc đằng sau đầu mọc dài ra rồi tết thành bím. Nếu trái lệnh sẽ xử tử. Hồi ấy trong dân gian có câu: “Không để tóc mất đầu, để đầu mất tóc”. Lúc áp dụng chính sách này, người Hán phản kháng dữ dội nhưng đều bị trấn áp. Mãi tới cách mạng Tân Hợi năm 1911 sau khi nhà Thanh sụp đổ, lối để tóc này không còn nữa.

Vì sao chúng ta không cảm thấy Trái đất chuyển động?

Mỗi giây, Trái đất vượt được chặng đường tới 30 km quanh Mặt trời. Đó là chưa kể tới việc Trái đất tự quay quanh mình với tốc độ ở đường xích đạo là 465 mét / giây. Vậy mà có vẻ như Trái đất đang đứng yên, trong khi chỉ cần ngồi trên xe, bạn sẽ thấy xe lao đi nhanh chóng mặt.

Trở lại với một tình huống thường gặp: Khi đi thuyền trên sông, bạn sẽ thấy thuyền lướt rất nhanh, cây cối và mọi vật hai bên bờ cứ trôi qua vùn vụt. Nhưng khi bạn đi tàu thuỷ trên biển rộng, trước mắt bạn là trời biển xanh biếc một màu, những con chim hải âu trông xa như một đốm trắng lơ lửng trên không trung, lúc đó, bạn sẽ cảm thấy tàu thuỷ đi quá chậm, mặc dù tốc độ của nó hơn hẳn tốc độ của thuyền trên sông. Vấn đề chính là ở chỗ đó.

Khi đi thuyền, cây cối hai bên bờ sông không di chuyển mà chính là thuyền di chuyển. Nếu cây cối ven bờ lao đi càng nhanh, chứng tỏ tốc độ của thuyền càng lớn. Nhưng trên biển rộng không có gì làm mốc để ta thấy tàu đang đi nhanh. Bởi thế bạn thấy nó lướt đi rất chậm, thậm chí có lúc đứng yên.

Trái đất như một chiếc tàu khổng lồ trong không gian. Nếu bên cạnh quỹ đạo của nó cũng có những vật mốc như cây cối bên bờ sông, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy Trái đất đang chuyển động. Nhưng ở gần Trái đất, tiếc thay, lại không có vật gì làm chuẩn. Chỉ có những vì sao xa tít tắp giúp ta thấy được Trái đất thay đổi vị trí theo ngày, tháng mà thôi. Các vì sao này ở quá xa, nên trong một thời gian ngắn mấy phút, mấy giây, chúng ta rất khó cảm nhận thấy Trái đất đang chuyển dịch.

Còn về việc Trái đất tự quay quanh nó với tốc độ khá nhanh, chúng ta và mọi vật ở trên đó cũng đang quay với cùng một tốc độ, bởi vậy chúng ta không cảm nhận được chuyển động này. Nhưng các bạn chớ quên rằng, hàng ngày, chúng ta nhìn thấy Mặt trời, Mặt trăng và các vì sao mọc đằng Đông và lặn đằng Tây, đó chính là kết quả của việc Trái đất tự quay quanh mình nó.

Quốc gia nào đã từng được gọi tên là “Ba Tư”?

“Ba Tư” (Persia) là một cái tên lâu đời đại diện cho một nền văn hóa cổ đại rực rỡ. Bạn có thể bắt gặp cái tên này từ trong những câu chuyện cổ xưa như “Nghìn lẻ một đêm” hay “Nghìn lẻ một ngày” nhưng có thể bạn không biết rằng cho tới tận năm 1935, cái tên Ba Tư vẫn được sử dụng như tên gọi chính thức của một quốc gia. Quốc gia đó chính là … Iran và cái tên Iran chỉ được sử dụng bắt đầu từ năm 1935.

Tần Thuỷ Hoàng đốt sách chôn nhà nho là chuyện như thế nào?


Năm 213 trước Công nguyên, Tần Thuỷ Hoàng ban yếu trong cung điện của thành Hàm Dương cho các quận thần. Sau ba tuần rượu, viên quan phó xạ Chu Thanh Thần đứng dậy nói lên lời chúc rượu, ca ngợi Tần Thuỷ Hoàng đã đem các nước chư hầu vốn dĩ tách rời nhau chuyển thành các quận huyện, làm cho thiên hạ thái bình, công lao ấy của Tần Thuỷ Hoàng thật là bất hủ.

Nhưng học sỹ Thuần Vu Việt đứng dậy công kích chế độ quận huyện. Hơn nữa ông ta còn yêu cầu dựa vào thể chế của đời xưa cắt đất phong hầu cho các đệ tử.

Lúc bấy giờ thừa tướng Lý Tư đứng lên bác bỏ các luận điểm của Thuần Vu Việt, rồi lại mượn vấn đề này để nói rộng ra rằng những kẻ đọc sách chỉ quen luận bàn Thi Thư, dùng những chuyện đời xưa để bài bác công việc ngày nay, gây mê cảm, làm hỗn loạn lòng người, vì thế nhất định phải đem họ ra mà trừng trị thật nghiêm mới được.

Tần Thuỷ Hoàng nghe nói như thế, đã xuất phát từ nhu cầu phải tăng cường chuyên chế, thống trị và đàn áp tư tưởng, tiếp thu kiến nghị của thừa tướng Lý Tư, ra lệnh đốt hết các sách sử không thuộc về nước Tần cùng tất cả các sách Thi Thư đang tàng trữ trong dân gian, kể cả các trước tác của Bách Gia Chư Tử. Hoàng đế lại quyết định từ nay về sau, hễ kẻ nào còn dám bàn luận về Thi Thư thì sẽ bị chặt đầu, kẻ nào dùng các chuyện cổ xưa để bài bác việc đời nay thì sẽ bị chém cả nhà.

Vì thế cho nên vô số các điển tích văn hoá đã bị đốt ra thành tro. Sau khi đốt sách đến năm thứ hai, các nho sinh càng thêm bất mãn. Ở sau lưng hoàng đế, họ mắng chửi Tần Thuỷ Hoàng là tham nắm quyền thế, tàn bạo thành tính. Sau khi nhận được những tin cáo giác mật, Tần Thuỷ Hoàng lập tức phái người đi điều tra, bắt giữ các nho sinh trong thành Hàm Dương để thẩm vấn. Vì các nho sinh này tố cáo lẫn nhau, cho nên Tần Thuỷ Hoàng lên cơn thịnh nộ, đã đem tất cả 460 nhà nho có liên can đến vụ này chôn sống hết.

tức là sự kiện “Phân thư thanh nho” (đốt sách và chôn nhà nho) đã được ghi trong lịch sử.

Việc Tần Thuỷ Hoàng đốt sách và chôn nhà nho đã kìm hãm các tư tưởng chống đối, nhưng đồng thời việc này cũng đã huỷ diệt nền văn hoá lịch sử. Về sau, tuy rằng hoàng đế này có được nghe những lời ca tụng, nhưng trong mỗi lời ca ngợi đều có hàm ý báo trước sự diệt vong cuối cùng

Tứ đại mỹ nhân thời cổ Trung Quốc là những ai?


Lịch sử Trung Quốc có bốn người đẹp làm khuynh đảo đời sống chính trị được người đời truyền tụng có sắc đẹp khác thường gọi là Tứ đại mỹ nhân.

Theo trình tự thời gian, người đầu tiên là nàng Tây Thi cuối thời Xuân Thu. Tây Thi vốn là một cô gái giặt lụa Trữ La (phía Nam Chư Kị tỉnh Chiết Giang ngày nay) ở nước Việt. Năm 494 trước Công nguyên, nước Việt bị nước Ngô đánh bại, Việt vương là Câu Tiễn dâng Tây Thi cho Ngô vương Phù Sai. Nàng trở thành một phi tử được Phù Sai rất sủng ái. Năm 473 trước Công nguyên, nước Việt diệt lại nước Ngô, truyền thuyết kể lại rằng Tây Thi đã theo quan đại phu Phạm Lãi của nước Việt bỏ vào Tây Hồ.

Đại mỹ nhân thứ hai là Vương Chiêu Quân thời Tây Hán, tên Tường. Nàng vốn là một cung nữ của Hán Nguyên Đế. Năm 33 trước Công Nguyên, chúa Thiền Vu Hồ Hán Tà của thị tộc Hung Nô xin hoà thân với triều đình nhà Hán. Chiêu Quân tự nguyện xin đi xa lấy chúa Hung Nô và được phong là Ninh Hồ Yên Hung. Trong hơn sáu mươi năm Vương Chiêu Quân đi hoà thân, Hung Nô và triều đình nhà Hán đối xử với nhau rất hoà mục. Vương Chiêu Quân là người đã cống hiến rất nhiều cho an ninh quốc gia và quan hệ hoà mục giữa hai dân tộc.

Đại mỹ nhân thứ ba là Điêu Thuyền, một nhân vật trong bộ tiểu thuyết cổ điển trứ danh Tam Quốc Diễn Nghĩa. Nàng sống dưới đời Hán Hiến Đế (190 – 220 sau Công Nguyên). Điêu Thuyền là ca kỹ trong phủ quan tư đồ Vương Doãn (chức quan quản lý ruộng đất và nhân khẩu trong nước). Vì thái sư Đổng Trác chuyên quyền hoành hành tàn bạo, Điêu Thuyền muốn góp phần diệt trừ Đổng Trác đã tự nguyện hiến thân giúp Vương Doãn, dùng kế liên hoàn ly gián được quan hệ giữa Đổng Trác và con nuôi của hắn là đại tướng Lã Bố. Cuối cùng Điêu Thuyền đã mượn được tay Lã Bố giết Đổng Trác.

Đại mỹ nhân thứ tư là Dương Ngọc Hoàn đời Đường. Năm 745 sau Công nguyên, nàng được Đường Huyền Tông phong làm quý phi. Dương Ngọc Hoàn thực ra không quan tâm gì đến chuyện chính trị trong triều đình, nhưng vì nàng được Đường Huyền Tông hết sức yêu quý, cho nên không những chị và em gái nàng được phong làm phu nhân, mà đến người anh em con chú con bác của nàng là Dương Quốc Trung cũng có thể thao túng việc triều chính. Năm 775 sau Công nguyên, An Lộc Sơn dấy binh làm loạn với danh nghĩa diệt trừ Dương Quốc Trung. Sau khi Dương Quốc Trung bị giết, Dương Ngọc Hoàn cũng bị treo cổ.

Tại sao người phương Tây kị con số 13?


Trong Kinh Thánh có ghi một câu chuyện như sau: Jesus cùng mười hai tông đồ họp nhau trong lễ Vượt Qua.

Đến bữa ăn tối Jesus nói: “Trong số các ngươi sẽ có một kẻ bán rẻ ta”. Quả nhiên trong số các tông đồ có tên Juda tố cáo Jesus với nhà cầm quyền, vì thế Jesus bị đóng đanh câu rút chết trên thập giá.

Ngồi quanh bàn trong bữa ăn đó đúng là có mười ba người, vì thế người ta mới cho rằng con số 13 sẽ đem lại điều bất hạnh.

Trong thần thoại Bắc Âu cũng có câu chuyện kể rằng: một hôm trong bữa tiệc trên thiên đường, có mười hai vị thần đến dự. Bỗng nhiên hung thần Lochi xông đến làm cho số người dự tiệc tăng lên thành mười ba. Do âm mưu của Lochi, con trai của vị thần tối cao là Aotinh đại diện cho cái thiện bị trúng tên mà chết, vì thế người ta cho rằng con số 13 đem lại tai hoạ.

Kết quả là tại các nước Âu Mỹ, người ta rất kỵ con số 13. Trong các rạp chiếu phim ở những nước này không có số ghế 13, sau các số 12 được đưa lên thành số 14 hoặc là ghi 12B thay cho số 13.

Tại sao thỏ thích ăn phân của mình?


Thỏ ăn cỏ, sống chủ yếu ở thảo nguyên. Chúng thích ăn cỏ xanh non và hoa màu, nhưng đôi khi cũng ăn luôn cả phân của mình thải ra trong đêm.

Thỏ tuy là động vật ăn cỏ, nhưng không giống với bò và dê, dạ dày của chúng rất nhỏ và không có hiện tượng nhai lại. Ban ngày, sau khi chúng ăn một lượng lớn cỏ tươi non, thường xuất hiện dinh dưỡng quá thừa, đến tối liền hình thành phân mềm thải ra ngoài cơ thể. Còn buổi tối do thiếu cỏ, ăn ít, lượng dinh dưỡng giảm tương đối, phân thải ra vào buổi sáng hôm sau thường cứng.

Vì các chất dinh dưỡng trong phân mềm đã ở trạng thái tiêu hoá một nửa, dễ được cơ thể hấp thu và sử dụng, do đó thỏ có xu hướng tái sử dụng lại sản phẩm này. Qua phân tích, sau khi thỏ ăn phân mềm, vitamin B và vitamin K hợp thành dễ được ruột non hấp thụ, để cung cấp nhu cầu sinh trưởng cho cơ thể. Đồng thời, nguyên tố khoáng vật trong phân mềm cũng cuộc sống lợi cho công việc thúc đẩy sự hấp thu của cơ thể thỏ đối với chất dinh dưỡng. Hiện tượng thỏ ăn phân mềm của mình thải ra là một hiện tượng lợi dụng đầy đủ chất dinh dưỡng. Nhưng thỏ nhà, khi được nuôi dưỡng nhân tạo, đủ thức ăn, thường không xuất hiện thói ăn phân của mình nữa.

Động vật trên cạn nào chạy nhanh nhất, chậm nhất?


Trước khi nói về động vật thì hãy nói về tốc độ nhanh nhất của người hiện tại. Tất nhiên nếu tính cả truyện cổ tích thì Harry Porter và ông già Noel bay vèo vèo rồi, nhưng nếu không tính truyện cổ tích thì Usain Bolt đang là người chạy nhanh nhất thế giới với tốc độ khoảng 9.6(s) cho 100m tức là tương đương với 96s/1km = 1.6 phút/1km = 37.5km/h = 23.3 dặm/h (mph).

Báo Cheetah được coi là động vật trên cạn có tốc độ cao nhất với 70mph (~100km/h – nhanh gấp 3 lần người chạy nhanh nhất thế giới). Tuần lộc và một số loài vật sống ở khu vực kiểu Xavan có thể đạt tốc độ trên 45mph. Ngoài các loài vật có tốc độ cao này ra, con người cũng thua kém rất nhiều loài động vật khác về khả năng chạy.
Vậy các loài động vật chạy chậm thì sao? Bạn có thể thấy chắc chắn ốc sên với rùa là ứng cử viên sáng giá cho chức này rồi. Voi sẽ là một sự bất ngờ nhưng không khó hiểu bởi thực ra trọng lượng của chúng rất lớn. Ít ra, chúng ta cũng còn có thể tạm nói rằng người chạy nhanh nhất hành tinh cũng chạy nhanh không kém … một con voi to kềnh.

Tại sao ngựa ngủ đứng?



Ngựa có đặc tính không giống với những gia súc khác, đó là trong đêm tối, bất kể lúc nào chúng cũng đều nhắm mắt ngủ đứng. Thói quen này là do di truyền lại từ tổ tiên ngựa hoang.

Những con ngựa hoang sống ở trên thảo nguyên sa mạc rộng mênh mông, trong thời xa xưa nó vừa là đối tượng săn bắt của loài người, vừa là một món ăn ngon của các loài thú dữ. Ngựa không giống như trâu, dê có thể dùng sừng để quyết đấu, mà biện pháp duy nhất chỉ là bỏ chạy để thoát thân. Cơ thể chúng dài, tứ chi khoẻ, rất thích nghi với khả năng này. Mặt khác, những động vật ăn thịt như hổ, báo, chó sói… đa số đều hoạt động về đêm. Vì vậy, những con ngựa hoang không dám thảnh thơi ngủ trong đêm tối, ngay cả ban ngày chúng cũng chỉ dám đứng ngủ gật và luôn luôn đề cao cảnh giác.

Ngựa nhà mặc dù không gặp nguy hiểm bởi kẻ thù hoặc do con người gây ra giống như ngựa hoang, nhưng nó được thuần hoá từ ngựa hoang. Vì vậy, thói quen ngủ đứng của ngựa hoang vẫn còn được giữ đến ngày nay.

Ngoài ngựa, lừa cũng có thói quen ngủ đứng, bởi vì môi trường sống của tố tiên chúng gần giống với ngựa hoang.

Muỗi có hút máu người và động vật để làm thức ăn hay không?



Chắc rất nhiều người biết rằng chỉ có muỗi cái là hút máu người và động vật trong khi muỗi đực thì không ..., vậy phải chăng muỗi cái “ăn mặn” còn muỗi đực “ăn chay”? Trên thực tế, muỗi cái cũng không hút máu người để ăn mà để làm việc khác. Bạn thử đoán xem việc gì mà muỗi cái làm được nhưng muỗi đực lại không làm được?
Muỗi cái không hút máu người và động vật để nuôi sống cơ thể của mình mà dùng máu của con mồi để sản xuất ra trứng. Một khi đã hút máu xong, chúng sẽ nghỉ ngơi ở đâu đó 2-3 ngày để cơ thể chiết xuất protein và sắt từ máu rồi tạo ra các amino acid và dùng nó để tạo ra trứng. Muỗi sẽ đẻ trứng dưới nước, trứng nở ra thành các con cung quăng, sau đó cung quăng tiếp tục phát triển thành muỗi.
Hiện tại trên thế giới có hơn 2500 loại muỗi khác nhau và chỉ có một số rất ít loại là có thể đẻ trứng mà không cần phải hút máu của người hoặc động vật. Không biết có phải do được hút máu hay không mà các con muỗi cái có thời gian sống gấp 2-3 lần (khoảng 1 tháng) so với muỗi đực (khoảng 1-2 tuần).

Tại sao lá lại đổi màu vào mùa thu?



Trong bài thơ “Tiếng Thu”, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã từng viết rằng :
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô?
Tại sao cứ đến mùa thu thì lá lại đổi sang màu vàng? Mà thực ra không phải là màu vàng, còn có cả màu đỏ, da cam… Thậm chí ở một số nơi (như Hà Nội chẳng hạn), lá lại còn đổi màu từ xanh sang vàng/đỏ vào … mùa hè! Vậy nguyên nhân gì gây ra sự thay đổi hàng năm này? Rất nhiều người tin rằng nhiệt độ là nguyên nhân chính nhưng câu trả lời thực sự không phải là do nhiệt độ mà là do lượng ánh sáng mặt trời khác nhau gây ra bởi các mùa khiến cho lá có màu khác nhau vào các mùa khác nhau.
Chất để giữ cho lá cây màu xanh vào mùa xuân và mùa hạ là chlorophyll. Chất này sẽ được cây sản xuất nhiều hơn nếu được hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn (giống Vitamin D ở người phải không bạn?) Khi chuyển mùa, lượng ánh sáng thay đổi và “sản lượng” chlorophyll được sinh ra cũng thay đổi theo, gây ra hiện tượng thay đổi màu trên lá.
Trên thực tế, lá cây vẫn có các phân tử tạo ra màu khác màu xanh, tuy nhiên chúng quá ít để có thể nhìn thấy khi trên lá cây vẫn còn chlorophyll. Chỉ khi chlorophyll còn rất ít trên lá cây, chúng ta mới có thể nhìn thấy các sắc đỏ (do anthocyanin tạo ra), sắc nâu (do tannin tạo ra) hay sắc da cam (do carotenoid và carotense tạo ra).


Vì sao châu chấu bay thành đàn?


Châu chấu dù bay ở trên trời hay đỗ dưới mặt đất vẫn duy trì tính hợp quần. Đây không phải là sở thích nhất thời, mà do thói quen đẻ trứng và nhu cầu về mặt sinh lý của chúng.

Việc châu chấu thích hoạt động thành đàn có quan hệ rất lớn đến thói quen đẻ trứng. Đến mùa giao phối, châu chấu lựa chọn vị trí đẻ trứng tương đối nghiêm khắc, thích hợp nhất là môi trường có chất đất cứng, có độ ẩm tương đối và có ánh sáng mặt trời trực tiếp. Trên những cánh đồng rộng lớn, khu vực có thể đáp ứng các tiêu chuẩn này tương đối ít, do vậy, châu chấu thường tập trung đẻ trứng hàng loạt trên một phạm vi không lớn lắm. Thêm vào đó, trong khu vực nhỏ này, chênh lệch độ ẩm là rất ít, khiến cho trứng nở đồng loạt, đến mức châu chấu non vừa chào đời đã hình thành thói quen sống cùng nhau, đi theo nhau.

Mặt khác, châu chấu phải sống theo đàn cũng là do nhu cầu về mặt sinh lý. Chúng cần nhiệt độ cơ thể tương đối cao để hoạt động. Vì vậy, việc sống thành đàn sẽ giúp chúng duy trì nhiệt độ trong cơ thể. Tất cả những con châu chấu trong đàn đều có chung đặc điểm này. Bởi vậy, trước khi chúng kết đàn, chỉ cần vài con lượn vòng trên không trung, rất nhanh sau đó, những con khác dưới mặt đất sẽ cảm ứng và đồng loạt bay lên.

Vì sao trong cây có điện?


Các điện tích dương thường tập trung ở dễ, và âm ở ngọn cây.

Một số hoạt động sống trong cơ thể sinh vật tạo ra điện trường và dòng điện, gọi là điện sinh vật. Ở một số động vật, hiện tượng này rất rõ, ví dụ cá chình điện có thể dùng điện sinh vật để bắn chết những con mồi nhỏ. Trong cây cũng có điện, nhưng chỉ yếu hơn mà thôi.

Dòng điện trong cơ thể thực vật yếu đến nỗi nếu không dùng đồng hồ điện siêu nhạy thì khó mà phát hiện ra. Nhưng dòng điện yếu không có nghĩa là không có. Vậy điện trong cây phát sinh như thế nào?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cây sản sinh ra điện. Ví dụ ở rễ, dòng điện chạy từ chỗ này sang qua khác, vì sự chênh lệch điện tích do các đoạn rễ hấp thụ muối khoáng không đều.

Bây giờ chúng ta hãy quan sát quá trình hấp thụ khoáng kali clorua của cây đậu tương. Các ion của kali clorua được hút vào rễ. Clo(-) từ rễ được hút lên các tế bào ngọn, làm tăng số ion âm trên ngọn, trong khi đó, các ion dương của K+ lại tập trung ở đầu rễ. Kết quả là xuất hiện một điện thế giữa ngọn và gốc. Tuy nhiên, cường độ dòng điện trong cây rất nhỏ. Theo tính toán, tổng dòng điện trong 100 tỷ cây đậu tương mới đủ thắp sáng một ngọn đèn 100 W.

Chim sẻ ăn hạt, vì sao nuôi con bằng sâu?


Chim sẻ là loài chim thường gặp nhất, đâu đâu cũng có chúng, từ rìa làng, sân phơi đến ruộng lúa… Chỉ cần nhìn qua cái mỏ hình nón, thô ngắn và khỏe là đủ biết chúng mổ hạt “ác” như thế nào. Ấy vậy mà mùa sinh sản, chúng lại tíu tít tìm sâu cho chim non.

Té ra, chim non trưởng thành nhanh, trao đổi chất của chúng rất mạnh, do đó cần thức ăn giàu dinh dưỡng để thỏa mãn nhu cầu hàng ngày. Hơn nữa, chim non còn quá bé, chức năng dạ dày kém, chưa đủ sức nghiền nát và tiêu hóa quả, hạt ngũ cốc cứng. Vì vậy, một số loài chim bình thường ăn hạt, thời kỳ nuôi con thì luôn tìm kiếm thức ăn động vật, chứa nhiều dưỡng chất cho con. Ví dụ chim tê điêu, loài chim quý hiếm của Trung Quốc, bình thường ăn quả dại, lúc nuôi chim non thì bắt chim non của loài khác để chăm con mình, có khi nó bắt cả một con kỷ (loài hươu nhỏ) xé ra từng mảnh rồi đem cho con.

Chim sẻ sinh sản đúng dịp xuân hè, mùa côn trùng nở rộ, nên chúng tha hồ bắt các loại côn trùng có hàm lượng protein cao.

Làm thế nào để biết một hòn đá là thiên thạch?


Thiên thạch có những vết rỗ rất đặc trưng.

Nếu đặt trước mắt bạn một đống đá và sắt cục, bạn có phân biệt được hòn nào là thiên thạch, hòn nào là đá hay sắt tự nhiên không? Chẳng khó lắm đâu. Để ý một chút, bạn sẽ thấy thiên thạch có lớp vỏ mỏng và những rãnh không khí rất đặc trưng.

Khi bay vào bầu khí quyền, thiên thạch cọ sát với không khí nên bề mặt bị nóng lên mấy nghìn độ, và chảy thành nước. Sau đó, khi nguội dần, bề mặt nóng chảy này đóng lại thành một lớp vỏ mỏng gọi là lớp vỏ nóng chảy, thường chỉ dày độ 1 mm, màu nâu hoặc nâu đen.

Trong quá trình lớp vỏ này nguội dần, không khí thổi qua bề mặt nó và để lại những vết hằn rõ, gọi là các rãnh không khí, trông giống như vết ngón tay để lại khi ta nắm bột mì. Lớp vỏ nóng chảy và những rãnh không khí là đặc điểm chủ yếu của thiên thạch. Nếu thấy tảng đá hay cục sắt nào có các đặc điểm kể trên, thì có thể khẳng định đó là thiên thạch.

Một số thiên thạch rơi xuống đất lâu ngày, bị mưa nắng phong hóa làm bong mất lớp vỏ cứng. Trường hợp đó, khó nhận ra các rãnh không khí, nhưng đã có cách khác để nhận ra chúng. Thiên thạch đá trông rất giống đá trên trái đất, nhưng với cùng thể tích, bạn sẽ thấy nó nặng hơn nhiều. Chúng thường chứa một lượng sắt nhất định, có từ tính, dùng nam châm thử là biết ngay. Ngoài ra, quan sát kỹ mặt cắt của thiên thạch đá, bạn sẽ thấy trong đó có rất nhiều hạt tròn nhỏ, đường kính 1-3 mm. 90% thiên thạch đá đều có những hạt tròn nhỏ như vậy.

Thành phần chủ yếu của thiên thạch đá là sắt và niken, trong đó sắt chiếm khoảng 90%, niken 4-8%. Lượng niken trong sắt tự nhiên trên trái đất không nhiều như vậy. Nếu mài nhẵn mặt cắt của thiên thạch sắt rồi dùng axit nitric bôi vào, sẽ xuất hiện những vết rỗ rất đặc biệt, giống như các ô hoa. Đó là vì thành phần các chất trong thiên thạch sắt phân bố không đều, chỗ nhiều chỗ ít niken. Chỗ chứa nhiều niken khó bị axit ăn mòn và ngược lại, tạo nên các đường vân. Đây cũng là một cách để nhận biết thiên thạch.

Vì sao buổi trưa nóng nực không nên tưới cây?


Mùa hè trời rất nóng, nhất là vào buổi trưa. Nhiệt độ trong đất cũng cao dần cho đến giữa ngày. Lúc này, nếu tưới nước thì đất đang nóng sẽ hạ nhiệt đột ngột, trong khi nhiệt độ không khí bên ngoài tương đối cao. Sự thay đổi giật cục này khiến hoa vốn non yếu sẽ chịu không nổi và chết.

Nước có tỷ nhiệt cao, gấp 4 lần so với tỷ nhiệt không khí. Nghĩa là khi hút và tỏa nhiệt, nhiệt độ của nước ít chênh lệch, do đó nó luôn thấp hơn nhiệt độ không khí (chỉ xét các nước nhiệt đới). Nếu tưới nước lúc đất đang nóng sẽ làm đất lạnh đi rất nhanh.

Vào buổi sáng sớm và chiều tối, vì nhiệt độ không khí tương đối thấp, nên sau khi tưới, nhiệt độ giữa đất và không khí chênh lệch ít, không gây nguy hiểm làm chết cây. Nếu trời râm mát thì tưới nước lúc nào cũng được.

Ngoài hoa, nói chung rau và một số loài cây thân thảo khác đều không nên tưới nước lạnh vào trưa hè. Có khi trong ngày hè nóng nực, buổi trưa bỗng đổ mưa rào, rau non bị chết ngạt hết cũng là vì lý do trên.

Tại sao phòng quan trắc thiên văn thường có mái tròn?


Đài thiên văn khi đóng cửa sổ.

Thông thường mái nhà nếu không bằng thì cũng nghiêng, chỉ riêng mái các phòng quan trắc của đài thiên văn thì hình tròn, trông xa giống như một bánh bao lớn. Phải chăng họ làm dáng cho nó hay chỉ để trông cho lạ mắt?

Không phải vậy, bởi mái tròn có tác dụng riêng của nó. Nhìn từ xa, nóc đài thiên văn là một nửa hình cầu, nhưng đến gần sẽ thấy trên nóc mái có một rãnh hở chạy dài từ đỉnh xuống đến mép mái. Bước vào bên trong phòng, rãnh hở đó là một cửa sổ lớn nhìn lên trời, ống kính thiên văn khổng lồ chĩa lên trời qua cửa sổ lớn này.

Mái hình tròn của đài thiên văn được thiết kế để chuyên dụng cho kính thiên văn viễn vọng. Mục tiêu quan trắc của loại kính này nằm rải rác khắp bầu trời. Vì thế, nếu thiết kế như những mái nhà bình thường thì rất khó điều chỉnh ống kính về các mục tiêu. Trên trần nhà và xung quanh tường, người ta lắp một số bánh xe và đường ray chạy bằng điện để điều khiển nóc nhà di chuyển mọi góc độ, rất thuận tiện cho người sử dụng. Bố trí như vậy, dù ống kính thiên văn hướng về phía nào, chỉ cần điều khiển nóc nhà chuyển động đưa cửa sổ đến trước ống kính, ánh sáng sẽ chiếu tới và người quan sát có thể nhìn thấy bất cứ mục tiêu nào trên bầu trời.

Khi không sử dụng, người ta đóng cửa sổ trên nóc nhà để bảo vệ kính thiên văn không bị mưa gió. Đương nhiên, không phải tất cả các phòng quan trắc của đài thiên văn đều thiết kế mái tròn. Một số phòng quan trắc chỉ quan sát bầu trời hướng Bắc - Nam nên chỉ cần thiết kế mái nhà hình chữ nhật hoặc hình vuông

Vì sao ruồi bay có tiếng, nhưng bướm lại không?


Bướm đập cánh rất chậm, vì thế không phát ra tiếng kêu.

Khi ruồi muỗi lượn quanh, từ xa, bạn đã nghe thấy tiếng “động cơ” vo vo của chúng. Nhưng bướm thì dù có ghé sát tai vào bạn cũng không thể nghe được gì cả. Phải chăng ruồi muỗi có cơ quan "phát thanh" đặc biệt?

Thật ra, tiếng kêu đó chỉ là do dao động do cánh gây ra mà thôi. Để chứng minh vấn đề này, chúng ta hãy làm thí nghiệm sau: lấy một mảnh tre mỏng rồi khua lên khua xuống trong không khí. Nếu khua nhẹ, bạn sẽ không nghe thấy gì, nhưng nếu khua mạnh, sẽ có tiếng vù vù rất rõ.

Âm thanh truyền đến tai ta là do tai cảm nhận được các dao động trong không khí. Tuy nhiên, ta chỉ có thể nghe được những rung động có tần số từ 20 đến 20.000 lần mỗi giây. Nếu thấp hoặc cao hơn khoảng này chúng ta đều không nghe thấy. Điều đó giải thích vì sao mảnh tre khua chậm thì im hơi lặng tiếng, nhưng khi khua nhanh sẽ tạo ra tiếng xé gió vù vù.

Côn trùng khi bay phát ra âm thanh cũng giống như nguyên lý kể trên. Các nhà khoa học cho biết, mỗi giây, ruồi nhặng vỗ cánh từ 147-220 lần, muỗi là 594 lần, thậm chí có loài còn vỗ 1000 lần, ong mật vỗ 260 lần. Nhưng bướm trắng thì chỉ lập lờ có... 6 lần, bướm gai 5 lần. Chính vì thế mà chúng bay hoàn toàn yên lặng.

Vì sao chạch lại nhả bọt?


Cá chạch sẽ dùng ruột làm cơ quan hô hấp khi nước thiếu ôxy.

Ở những ao đầm, mương, ngòi có nhiều cá chạch sinh sống, trên mặt nước thường có nhiều bóng khí. Nếu thả vài chục con chạch trong thùng nước, thì chỉ một lúc sau bọt đã phủ đầy chẳng còn chừa khoảng trống nào cả. Lũ cá làm sao thế nhỉ?

Thì ra, đó chỉ là do loài chạch trung tiện hơi nhiều mà thôi.

Chạch có thân dài, hơi dẹt, cũng thở bằng mang như các loại cá khác. Nhưng khi trong nước thiếu dưỡng khí, nếu chỉ thở bằng mang thôi sẽ không cung cấp đủ ôxy cho cơ thể. Lúc đó, chạch sẽ thò đầu lên khỏi mặt nước, trực tiếp hít thở khí trời và dùng ruột làm cơ quan hô hấp thay thế mang. Mấu chốt chính là ở đây: Ruột chạch có cấu tạo khác hẳn so với các loài cá khác.

Nếu như ruột cá bình thường phải cuộn từ 8-10 vòng trong bụng cá, thì ruột chạch lại nối thẳng từ cổ họng đến hậu môn thành một đường thẳng không gấp khúc và có thể nhìn thấu qua. Trên thành ruột có nhiều mạch máu nhỏ. Đoạn ruột vừa thẳng vừa ngắn này có tác dụng tiêu hóa thức ăn, đồng thời còn hô hấp thay thế mang khi cần thiết.

Khi chạch cảm thấy trong nước hoặc bùn không đủ ôxy, nó sẽ ngoi đầu lên khỏi mặt nước (mặt bùn), đớp một ngụm khí rồi lại lặn xuống. Không khí được nuốt xuống ruột, các mạch máu trên thành ruột hấp thụ luôn lượng khí ôxy trong khoang ruột, chất khí thừa còn lại và lượng khí CO2 do máu thải ra sẽ qua hậu môn theo hình thức trung tiện, đó chính là những bọt khí xuất hiện trên mặt nước. Ôxy trong nước càng ít, chạch càng đớp nhiều lần hơn. Khi trong nước hết ôxy, chạch ngoi lên khoảng 70 lần mỗi giờ để duy trì sự sống.

Vì sao ong bắp cày không đốt người trong mùa thu?


Trong một bầy ong, phần lớn là những con ong thợ (ong cái), có khả năng đốt người.

Ong bắp cày đốt rất đau. Nhưng không phải con nào cũng biết làm việc ấy, mà chỉ có ong cái thôi. Mùa xuân và mùa hè, lũ ong cái bay ra khỏi tổ, và bạn rất dễ trở thành mục tiêu của chúng. Nhưng mùa thu, đa phần chúng ở nhà, nhường quyền hoạt động cho các con đực.

Khi đốt người, ong sử dụng đến một chiếc ngòi nhọn ở phần dưới bụng của chúng. Phần gốc ngòi gắn liền với tuyến nọc độc. Hễ chiếc ngòi nhọn đó cắm vào đâu là có nọc độc tràn vào. Bởi vậy khi bị ong đốt, ta có cảm đau buốt.

Ngòi ong chính là vòi đẻ trứng của chúng biến thành. Do đó, chỉ có ong cái mới có cơ quan này, còn ong đực thì không. Tất cả những con ong thợ đều là ong cái (tuy chúng không sinh nở được). Trong xã hội loài ong, con cái nhiều hơn con đực, và các chàng ong rất ít khi bay ra khỏi tổ, nên chúng ta thường chạm trán loại ong đốt người.

Riêng với ong bắp cày, trong mùa xuân và mùa hè, ong thợ xuất hiện nhiều ở ngoài tổ. Đến mùa thu, trời lạnh dần, con cái ở tổ chuẩn bị chống rét cho mùa đông. Cũng vào thời điểm này, ong đực bay đi tìm ong cái để giao phối duy trì nòi giống. Nên nếu có gặp chúng, bạn sẽ chẳng hề hấn gì cả.

Như vậy, nói ong bắp cày không đốt người vào mùa thu chẳng qua là chỉ những con ong đực không có khả năng đốt người. Cách đơn giản để phân biệt hai giống là nhìn màu sắc phần đầu của chúng: ong cái có màu vàng, ong đực là màu trắng.

Loài thằn lằn dùng máu để tự vệ


Thằn lằn phrynosoma.

Đối diện với kẻ thù, khi đã ở vào thế tuyệt vọng, loài thằn lằn có sừng phrynosoma sẽ tự làm tăng áp suất máu lên đầu. Áp suất tăng nhanh khiến các mạch máu nhỏ xíu tại vùng giác mạc bị đứt: Dòng máu phụt theo các ống dẫn nước mắt, phun thẳng vào mặt kẻ thù.

Cũng giống như những loài thằn lằn bình thường khác, loài thằn lằn có sừng phrynosoma, thuộc họ lguanidae, sống ở miền tây nước Mỹ, Mexico và các vùng có khí hậu khô nóng, có khả năng ngụy trang rất tài tình. Khi bị đe dọa, cách phòng thủ mà chúng ưa thích nhất là đổi màu da để ẩn vào môi trường xung quanh.

Không những thế, chúng còn cố gắng hết sức nằm dán xuống mặt đất, để giảm tối đa nguy cơ bị kẻ thù phát hiện. Tuy nhiên, khi ngụy trang không còn hiệu quả đối với những kẻ săn mồi láu cá và lỳ lợm, thằn lằn sẽ chuyển sang phương án tiếp theo là phát ra những tiếng xì xì đầy đe dọa, đồng thời cố hết sức gồng cơ thể lên, giương những chiếc gai nhọn về phía kẻ thù.

Chiến thuật này khiến nó trở nên to hơn và khó nuốt hơn. Thế nhưng, trong trường hợp cả hai phương án trên đều vô hiệu, nó sẽ viện đến phương án cuối cùng là phun máu. Khi cảm thấy sự nguy hiểm tăng lên tột độ, nó sẽ tự làm tăng áp suất máu lên khu vực đầu để có thể phun ra theo các ống dẫn nước mắt. Phương án của kẻ cùng đường này đôi khi rất hiệu quả, vì nó làm kẻ thù phát hoảng mà bỏ chạy.

Vì sao chuông nứt đánh không kêu?


Cái chuông, khi đã bị nứt rồi, thì dù bạn có đánh hết sức bình sinh vẫn chỉ nghe thấy những âm thanh rè rè mà thôi. Đó là do chỗ bị nứt làm chuông mất đi sự đối xứng, độ đàn hồi và dao động riêng, chỗ đó không thể cùng ba mặt khác dao động đồng bộ, tạo ra âm thanh.

Chuông hoạt động theo nguyên lý sau: khi bị ngoại lực đánh vào, dao động của nó sẽ hướng về hai phía đối nhau từng đôi một. Chẳng hạn, khi bạn gõ vào mặt phải, thì mặt phải và mặt trái sẽ đồng thời ép vào trong, còn mặt trước và mặt sau thì dãn ra phía ngoài. Tiếp đó, hai mặt trái phải lại dãn ra phía ngoài, đồng thời hai mặt trước sau lại ép vào phía trong. Chính do dao động của các mặt chuông không ngừng đan xen nhau, lúc dãn ra phía ngoài, lúc ép vào phía trong, mà chuông phát ra được âm thanh du dương rồi yếu dần đi.

Nếu chuông được đúc dày mỏng không đều thì dao động của hai mặt đối xứng sẽ không hòa nhịp, âm thanh phát ra không những khó nghe mà thời gian ngân vang cũng ngắn.

Mắt thú ăn thịt khác mắt thú ăn cỏ như thế nào?

Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy một hiện tượng rất thú vị. Với các loài thú ăn thịt như sư tử, hổ, báo, chó sói…, mắt của chúng đều nằm phía trước phần mặt, còn vị trí mắt của các loài thú ăn cỏ như trâu, ngựa, dê… lại ở hai bên.

Đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Không phải, điều này có liên quan mật thiết với phương thức sinh sống của chúng.

Các loài ăn thịt trong tự nhiên đều là những kẻ tấn công chủ động, tích cực. Một khi đã phát hiện thấy con mồi, chúng sẽ nhanh chóng truy đuổi. Trong quá trình này, chúng không những cần cơ đùi khỏe, một cái miệng rộng với hàm răng sắc nhọn, mà còn phải dùng đến đôi mắt để quan sát chăm chú mục tiêu, ước lượng chính xác khoảng cách. Chính vì thế, mắt ở phía trước mặt sẽ tạo thuận lợi cho quá trình săn đuổi này.

Các loài động vật ăn cỏ lại không giống như vậy. Số phận của chúng là dễ trở thành mồi ngon cho các loài ăn thịt bất cứ lúc nào. Vì thế, mắt hai bên sẽ tạo ra tầm nhìn rộng rãi (có con có tầm nhìn tới 360 độ), giúp chúng nhanh chóng phát hiện ra kẻ địch và chạy trốn.

Vượn và khỉ tuy không hung dữ như các loài thú ăn thịt, nhưng cũng có mắt mọc ở chính trước mặt. Đó là vì cấu trúc này có lợi cho chúng trong việc xác định khoảng cách giữa các cành cây. Từ đó, chúng có thể nhanh chóng lẩn tránh kẻ thù.

Gấu trúc tuy ăn tre, trúc nhưng lại có đôi mắt mọc ở phía trước. Đặc điểm này là do chúng thừa kế được từ tổ tiên - những động vật chuyên ăn thịt.

Vì sao bốn mùa trong năm không dài như nhau?


Mỗi mùa trong năm không phải tròn trịa bằng số ngày một năm chia cho 4, mà được căn theo thời tiết phục vụ nhà nông. Vì thế, nó chẳng liên quan gì đến phép chia đều.

Mùa xuân bắt đầu từ ngày Xuân phân (23/1) đến Hạ chí (21/6) tức là khoảng 92 ngày 19 giờ. Mùa hè bắt đầu từ Hạ chí đến Thu phân (23/9) dài khoảng 93 ngày 15 giờ. Mùa thu kéo dài từ Thu phân tới Đông chí (22/12) dài khoảng 89 ngày 19 giờ. Mùa đông từ Đông chí tới Xuân phân chỉ dài có 89 ngày. Như vậy mùa hè dài hơn mùa đông những 4 ngày 15 tiếng.

Vấn đề ngắn dài này hoàn toàn liên quan đến khoảng cách giữa trái đất với mặt trời ở mỗi thời điểm xa hay gần. Ta biết rằng trái đất quay xung quanh mặt trời theo quỹ đạo hình bầu dục, mà mặt trời không phải là tâm điểm của hình bầu dục đó, mà chỉ là một tiêu điểm trong hình bầu dục thôi. Như vậy, khi trái đất quay trên quỹ đạo, sẽ có lúc nó gần mặt trời hơn, có lúc cách xa hơn.

Mùa hạ, khi trái đất ở xa mặt trời nhất, sức hút của mặt trời đối với nó là yếu nhất, do đó trái đất quay chậm nhất, và thời gian của mùa hè dài nhất trong một năm. Ngược lại, mùa đông, khi trái đất ở gần mặt trời nhất, sức hút của mặt trời tác động lên nó mạnh nhất, do đó trái đất quay nhanh hơn lúc nào hết, và đó là mùa ngắn nhất trong năm. Tương tự như vậy có thể xét cho mùa xuân và mùa thu, là hai mùa trung gian.

Vì sao chim cánh cụt có thể sống ở Nam cực?

Môi trường cực kỳ khắc nghiệt ở Nam cực đã buộc các sinh vật bậc cao rút lui khỏi lãnh địa của nó. Ngay cả các động vật lớn có thể chịu được cái rét - 80 độ C của Bắc cực như gấu trắng, voi biển... cũng không hề có mặt ở cực Nam. Vậy mà chim cánh cụt lại có thể làm được điều đó.

Để hiểu vì sao, chúng ta phải xem lại “gia phả” của chúng. Trước hết, cánh cụt là một loài chim bơi ở dưới nước cổ xưa nhất. Có thể nó đã đến đây định cư từ trước khi châu Nam cực mặc "áo giáp băng". Do diện tích đất liền hẹp, mặt biển rộng, nên nơi đây có thể coi là khu vực phồn thịnh nhất trong các thủy vực, với nguồn thức ăn phong phú, trở thành vùng đất tốt cho cánh cụt trú ngụ.

Sau nữa, do kết quả tôi luyện trong gió và bão tuyết qua hàng ngàn vạn năm, lông trên toàn thân của cánh cụt đã biến thành lớp lớp dạng vảy gắn chặt. Với loại “chăn lông” đặc biệt này, nước biển không những khó thẩm thấu, mà dù cho nhiệt độ có xuống tới -100 độ C, chim cũng không hề hấn gì. Đồng thời, lớp mỡ dưới da của nó rất dày, nên càng đảm bảo giữ nhiệt cho cơ thể.

Thêm nữa, châu Nam cực không có thú ăn thịt, thế là cánh cụt đã có được một mảnh đất khá an toàn. Chẳng thế mà khi các nhà nghiên cứu đặt chân lên mảnh đất tận cùng thế giới này, chim cánh cụt không những không bỏ chạy, mà còn đón tiếp họ với thái độ rất thân mật (và tò mò).

Động vật trút giận như thế nào?


Ăn miếng trả miếng, đó là phản ứng thường gặp khi xung đột giữa hai con vật xảy ra. Song có khi, chúng lại đưa ra một số động tác kỳ quặc, chuyển "cục giận" trong lòng sang kẻ thứ ba chẳng may đứng gần đó.

Sinh vật học gọi hành vi không liên quan đến mục tiêu của động vật là “sự đùn đẩy trách nhiệm”. Chẳng hạn, ở một vài loài hải âu, khi hai con bị kích thích tấn công lẫn nhau, một con trong đó sẽ chuyển sang tấn công mục tiêu bên cạnh mình. Chưa hả giận, nó còn mổ... cỏ một cách rất tức tối.

Chim công ở Australia khi yêu đương hoặc khi tranh đấu sẽ xuất hiện những động tác chẳng có gì dính dáng, như chải lông, vươn vai, lắc mình, gãi gãi đầu, ngáp, ngủ gật, lấy thức ăn hay xây tổ. Còn trong những cuộc giao chiến giữa hai con kanguru, đôi khi, chúng đột ngột dừng lại, "nghỉ một tí", bằng cách ra vẻ chải chải lông trên người.

Một con mèo đang mải tấn công mồi, đột ngột nó có thể chững lại để... liếm cơ thể. Một con cá hung hãn đang dọa nạt các loài cá khác cũng có thể bất chợt dùng miệng để đào cát, hoặc trong lúc tuyệt vọng nó sẽ mở to mồm… Vậy khi bắt gặp những tình huống này, bạn cũng đừng lấy làm lạ, vì tập tính thay đổi hành vi có ở hầu hết các loài động vật.

Vì sao con hà khoét thủng được cả đá?


Trên các bãi biển, có những tảng đá lỗ chỗ như tổ ong do hà bám. Chúng làm thế nào để có thể phá hủy được loại vật chất cứng rắn này, trong khi không hề có răng? Thì ra, con hà tiết ra một chất dịch có tính axit cao, làm cho đá mềm ra.

Sau đó, chúng dùng chân và vòi làm điểm tựa rồi xoay xoay toàn thân để cho những gai trên vỏ cứng của chúng cọ xát vào đá và làm đá vỡ vụn. Chúng cứ kiên nhẫn đào khoét suốt đời và tạo ra các hang động trên đá. Nếu không có đá để đục lỗ, loài hà này sẽ chết. Các nhà khoa học đã nuôi thử chúng trong các bể nước không có đá. Mặc dù được cung cấp đầy đủ thức ăn, hà vẫn không lớn được, vỏ trước bị khép lại, chân co vào và còm cõi đến chết.

Hà đá không chỉ đào hốc trên đá mà còn đục khoét ngay trên vỏ ngoài của các loài trai, hàu. Trên một vỏ hàu có thể tìm thấy khoảng mươi con hà đá, trông như những điếu xì gà nằm gọn trong các hốc nhỏ do chúng tạo ra. Hà sống trên đá lại có hình dạng như quả trứng nhọn đầu. Chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh và làm các công trình xây dựng ở các hải cảng bị đục khoét lỗ chỗ như tổ ong.

Hà đá chỉ chịu thua đá hoa cương. Chính vì vậy mà người ta phải phủ đá hoa cương lên mặt ngoài các công trình xây dựng ở hải cảng, ở các vùng khai thác dầu khí ven biển.

Vì sao máu của động vật bậc thấp không có màu đỏ?


Quan niệm rằng cứ máu là đỏ đã ăn sâu vào chúng ta đến mức, ta không nhận ra rằng còn có những loài máu trong như nước, nhờ nhờ vàng hoặc hơi xanh. Nhưng nếu để ý, bạn sẽ thấy chỉ có động vật bậc thấp mới có màu máu kỳ lạ như vậy thôi.

Đó là vì máu người và động vật bậc cao đều có hồng cầu, chứa huyết sắc tố, còn động vật bậc thấp thì không.

Nếu đưa máu người và động vật bậc cao vào máy ly tâm rồi cho quay thật nhanh, nó sẽ tách thành 3 phần rõ rệt. Tầng trên cùng có màu vàng, khá trong, được gọi là huyết tương (chiếm khoảng 55% thể tích chung của máu). Tầng giữa là một lớp mỏng, màu trắng, gồm các tế bào bạch cầu và một số thành phần khác của máu. Dưới cùng là các tế bào hồng cầu có màu đỏ tươi (chiếm khoảng 40-50%). Hồng cầu sở dĩ có màu đỏ là vì trong thành phần của nó có chứa sắt, được gọi là huyết sắc tố.

Đối với động vật bậc thấp như tôm, cua, chuồn chuồn, nhện… thì khác. Máu của chúng chỉ có các tế bào trông giống như bạch cầu ở động vật bậc cao, chứ không chứa các tế bào hồng cầu. Vì thế, máu không có màu đỏ. Một số loài động vật bậc thấp khác (như giun đất, tằm cát…) cũng có máu đỏ, nhưng là do trong huyết tương của chúng có chứa huyết sắc tố (chứ không phải do có hồng cầu).

Một số loài côn trùng khác lại có máu màu vàng hoặc màu xanh lục. Đó là bởi trong huyết tương của chúng có chứa một loại huyết tố có chứa kim loại đồng. Đa số các loài động vật bậc thấp có máu không màu và trong suốt. Các nhà khoa học không gọi đó là máu, mà chỉ coi là một dịch thể.

Vì sao cá nổi lên chìm xuống dễ dàng?


Dù có là một tay bơi lặn cừ khôi đi nữa, bạn cũng không thể đang từ dưới sâu vọt lên mặt nước, hoặc ngược lại. Nhưng các loài cá thì có thể. Đó là vì chúng có chiếc bong bóng trong bụng luôn chứa đầy không khí. Sự thay đổi áp suất của bong bóng giúp chúng điều chỉnh vị trí dễ dàng.

Không khí được nạp vào bong bóng theo hai con đường: hoặc là cá nổi lên mặt nước, lấy không khí trực tiếp qua đường khí quản rất nhỏ ở đầu, hoặc chúng lấy không khí ngay trong nước qua các tế bào đỏ ở mang.

Các loài cá điều chỉnh vị trí trong nước chủ yếu nhờ vào việc làm thay đổi áp suất không khí trong bong bóng (khi muốn nổi lên, nó nạp đầy không khí vào, muốn lặn xuống, nó lại nhả ra). Đồng thời với việc này, cá cũng sử dụng các động tác quẫy đuôi rất mạnh, cộng với việc đớp đầy một lượng nước vào miệng rồi nhả qua hai mang, tạo thành một lực phản lực đẩy nó bơi lên hoặc lặn xuống rất nhanh chóng.

Ở từng độ sâu khác nhau, cá điều chỉnh dung lượng không khí trong bong bóng để cân bằng tỉ trọng của cơ thể với mật độ của nước, nhằm giữ thăng bằng. Tất nhiên những chiếc vây cũng có tác dụng quan trọng trong động tác giữ thăng bằng của cá: vây lưng, vây bụng, vây ngực và vây hậu môn giúp cho cá không bị ngả nghiêng.

Vì sao ban ngày không nhìn thấy sao?


Nếu trái đất không có bầu khí quyển, chúng ta sẽ quan sát được các vì sao rõ nét cả ngày và đêm.

Trong vũ trụ, tuyệt đại đa số các sao tự phát sáng và phát nhiệt, quanh năm lấp lánh. Nhưng chỉ vào xẩm tối chúng ta mới trông rõ chúng, đó là vì ban ngày tầng khí quyển của trái đất đã tán xạ một phần ánh sáng mặt trời...

Lượng ánh sáng đó chiếu sáng bừng không trung, át cả ánh sáng của các vì sao, khiến chúng ta không thể nhìn thấy chúng. Nhưng nếu trái đất không có bầu khí quyển, không trung sẽ tối đen, và cho dù ánh mặt trời rất sáng thì chúng ta vẫn nhìn thấy sao vào ban ngày (hiện tượng này cũng xảy ra khi chúng ta đứng trên bề mặt mặt trăng. Do không có bầu khí quyển tán xạ ánh sáng, nên tại đây, lúc nào chúng ta cũng có cơ hội chiêm ngưỡng các vì sao).

Tuy nhiên, ngay cả ở trên trái đất, bạn vẫn có thể trông thấy các vì sao vào ban ngày, nhờ một chiếc kính viễn vọng. Đó là do hai nguyên nhân: Một là, thành ống kính viễn vọng đã che khuất khá nhiều ánh sáng mặt trời bị tán xạ trong khí quyển, tạo ra một “đêm tối nhỏ” trong lòng kính. Hai là, kính viễn vọng có tác dụng khuyếch đại độ sáng của các vì sao, và chúng hiện ra rất rõ.

Tất nhiên, dùng kính viễn vọng quan sát các sao vào ban ngày có hiệu quả kém hơn so với ban đêm, vì khi đó, ta khó có thể nhìn thấy những sao mờ nhạt.

Vì sao lá cây súng vua có thể đỡ được một người?


Nếu bảo rằng có một loài cây mà 1 chiếc lá của nó có thể đỡ được sức nặng của một người, hẳn bạn sẽ lắc đầu không tin. Nhưng quả thật có một loài cây như thế. Tên nó là súng vua, sống ở Vân Nam, Trung Quốc.

Súng vua sinh trưởng trong ao hồ. Lá cây súng vua có đường kính trên 2 m, có khi trên 3 m, nổi trên mặt nước chẳng khác gì chiếc mâm ngọc khổng lồ. Chiếc lá này có thể chở một người nặng 75 kg mà không chìm. Sức mạnh của nó chính là do cấu tạo đặc biệt của mặt dưới lá. Nếu lật ngửa lên để quan sát, ta sẽ thấy một kiểu cấu trúc đặc biệt: gân lá vừa to vừa khỏe, đồng thời xếp như kiểu xương sườn, rất giống cấu trúc dầm cầu thép, cho nên khả năng chịu lực đặc biệt lớn. Cây súng vua có nguồn gốc ở Amazon, Nam Mỹ.

Tháng 8 hàng năm, nụ hoa nhô lên khỏi mặt nước, bắt đầu nở. Bạn hãy tưởng tượng hình dáng hoa giống hệt với hoa súng thông thường, nhưng được "phóng đại" lên nhiều lần, chỉ riêng gai lông trên cuống hoa đã to như cái đinh.

Thời gian hoa nở rất ngắn, chỉ trong 2 ngày. Buổi tối ngày thứ nhất, khi mới nở hoa có màu trắng, tỏa mùi thơm như hoa bạch lan. Sáng ngày thứ hai, cánh hoa khép lại, chập tối lại nở ra, khi ấy hoa từ màu trắng chuyển dần sang màu hồng nhạt đến đỏ sẫm.

Vì sao thân cây hình trụ?


Môn hình học mách bảo chúng ta rằng diện tích của hình tròn lớn hơn bất kỳ hình nào khác. Do đó, cùng một lượng nhiên liệu như nhau, muốn tạo thành đồ vật có dung tích lớn nhất hoặc có sức chứa nhiều nhất thì hiển nhiên phải tạo thành hình tròn là thích hợp hơn cả.

Chẳng có gì lạ khi người ta làm ống khói, ống dẫn nước đều là ống tròn. Trên thực tế đó là một kiểu bắt chước hiện tượng tự nhiên (phỏng sinh học).

Thứ hai là hình trụ tròn chịu lực tốt nhất. Trọng lượng của tán cây to tròn đều nhờ vào sự chống giữ của thân cây. Có những loài cây sai trái, đến mùa trên cây còn treo nặng hàng tạ quả, nếu không có cành thân khỏe chống giữ, làm sao có thể tồn tại được.

Hơn nữa, thân cây hình trụ tròn còn có lợi cho việc phòng chống tác hại từ bên ngoài. Nếu hình vuông hoặc hình chữ nhật, thân cây ắt sẽ có các góc cạnh, dễ làm mồi cho động vật gặm nhấm.

Ngoài ra, cây thân gỗ là cây lâu năm, trong đời nó khó tránh khỏi bị gió bão tấn công. Do thân cây hình trụ tròn, cho nên dù gió lớn đến từ phía nào cũng dễ dàng lướt qua bề mặt, chỉ phải chịu một lực nhỏ mà thôi.

Mọi sinh vật đều tiến lên phía trước trên bậc thang tiến hóa. Hình trụ tròn của thân cây chính là kết quả hoàn hảo của sự thích nghi đó.

Vì sao muỗi thích đốt người mặc đồ sẫm màu?


Đôi khi bên bàn ăn, bạn bị muỗi đốt chí tử, trong khi nhưng người khác vẫn bình an vô sự. Có thể bạn cho rằng máu mình "ngọt" hơn, nên chúng thích tìm đến. Thật ra, đó là vì màu quần áo bạn rất hợp "gu" của chúng.

Khả năng phân biệt màu sắc nằm ở đôi mắt muỗi. Đôi mắt này rất to, chiếm tới ¾ diện tích phần đầu, gồm nhiều mắt nhỏ ghép thành, gọi là “mắt ghép”. Mắt muỗi không những phân biệt được các vật khác nhau mà còn có thể nhận biết màu sắc và cường độ ánh sáng mạnh yếu.

Đa số các loài muỗi đều thích ánh sáng mờ; tối quá hoặc sáng quá đều không hợp "gu" của chúng. Khi chúng ta mặc quần áo sẫm màu, ánh phản quang hơi tối rất hợp với tập tính hoạt động của muỗi. Ngược lại, quần áo màu trắng phản quang mạnh sẽ xua đuổi muỗi tránh xa. Vì thế, người mặc quần áo sẫm màu dễ bị đốt nhiều hơn.

Đương nhiên do muỗi có nhiều loài khác nhau nên cường độ ánh sáng ưa thích của mỗi loài không giống nhau. Ví dụ, phần lớn loài muỗi vằn thích hoạt động ban ngày, còn các loài muỗi khác thích hoạt động vào lúc sẩm tối hoặc rạng sáng. Nhưng dù là loài muỗi nào, chúng cũng đều lẩn tránh nơi có cường độ ánh sáng cao. Ngay cả loài muỗi vằn thích hoạt động ban ngày thì cũng phải sau 3-4 giờ chiều mới tung hoành.

Tại sao nước biển mặn?


Có người nói nước biển mặn vì hòa tan rất nhiều muối. Nhưng đó không phải câu trả lời, bởi muối ở đâu mà ra? Không lẽ nước sông, nước hồ không có muối hòa tan mà chỉ có nước biển?

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Có hai giả thuyết:

- Giả thuyết thứ nhất cho rằng ban đầu nước biển cũng ngọt y hệt nước sông, nước hồ. Sau đó, muối từ trong nham thạch và các lớp đất xói mòn, theo mưa chảy ra các dòng sông. Rồi các dòng sông đổ về biển cả. Nước biển bốc hơi, trút xuống thành những cơn mưa. Mưa lại đổ ra các dòng sông... Cứ như vậy, theo thời gian, muối đã lắng đọng dần xuống biển, khiến biển ngày càng mặn hơn. Theo đó, dựa vào hàm lượng muối trong nước biển, người ta có thể tính ra tuổi của nó.

- Giả thuyết thứ hai cho rằng, ngay từ đầu nước biển đã mặn như vậy. Lý do là các nhà khoa học thấy rằng, hàm lượng muối trong nước biển không tăng lên đều đặn theo tuổi của trái đất. Khi nghiên cứu những lớp đất đá trong các hang động bị nước biển tràn vào, người ta thấy rằng, hàm lượng muối trong nước biển luôn thay đổi, khi lên khi xuống chứ không cố định. Đến nay, người ta vẫn chưa biết tại sao lại như vậy.

Vì sao ngài tằm đẻ trứng xong là chết ngay?


Hầu hết các loài sinh vật đều sinh sản và đợi con non cứng cáp rồi mới chết. Nhiều loài còn đợi được đến các thế hệ cháu chắt sau lũ lượt ra đời. Thế nhưng, ngài tằm vừa đẻ trứng xong là chết ngay. Tại sao lại như vậy?

Khi con ngài bay bổng trên bầu trời, ấy là nó đã trải qua một "kiếp" tằm. Tằm ăn lá, nhả tơ, quấn kén, rồi thành ngài. Khi đó, nó đã ở giai đoạn cuối cùng của một đời sống sinh vật. Lúc này, miệng của nó đã bị thoái hóa, không thể ăn được gì nữa.

Trong khi mang trứng, ngài đã dự trữ khá nhiều chất dinh dưỡng cho sứ mệnh cuối cùng của nó - sứ mệnh truyền giống. Khi đẻ trứng, nó bị kiệt sức rất nhanh. Và khi quả trứng cuối cùng ra đời, nó lặng lẽ giã từ sự sống. Đó cũng là định mệnh của họ hàng nhà tằm.

Vì sao vẹt, yểng học được tiếng người?


“Mấy giờ rồi?”, “chào bác!’”, “ăn cơm chưa?”, “tạm biệt”… Có tiếng ai the thé thốt lên từ góc vườn, nhìn ra, bạn sẽ kinh ngạc khi thấy đó không phải là tiếng của chủ nhà, mà là tiếng một chú vẹt tinh nghịch. Làm sao nó nói được nhỉ?

Thực ra, đại não của vẹt không phát triển như đại não của người, không có sẵn điều kiện để biết nói. Những câu phát âm đơn giải của chúng chỉ là một kiểu bắt chước vô thức, mà phải do người dạy mới hình thành. Trong trạng thái hoang dã, hiếm thấy con vẹt nào nói được.

Ngôn ngữ là sản phẩm chỉ có trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Ngoài sự cần thiết phải nhờ thanh đới (thông qua cử động nhịp nhàng của họng, lưỡi, răng, môi) để phát âm, còn cần sự kết hợp từ vựng và quy luật ngôn ngữ mới có thể biểu đạt tốt những điều nghĩ ra trong óc. Các loài vẹt, yểng có thể “nói” được những câu đơn giản, chẳng qua là chúng có cái lưỡi vừa nhọn vừa nhỏ, mềm và đầy thịt, nên chỉ biết lặp lại một chuỗi âm tiết mà người ta dạy cho nó thôi. Chưa bao giờ người ta thấy chúng nói được những câu phức tạp cả.

Nhìn chung, loài chim sinh ra là có thể phát âm. Khi người ta thường xuyên lấy vài âm tiết nào đó để gây ảnh hưởng với chúng, lâu ngày chúng sẽ bắt chước được. Tình huống này gọi là phản xạ nói vô điều kiện. Sau này, mỗi khi gặp người, do bị kích thích mà sinh ra phản ứng, chúng nhắc lại mấy âm tiết đơn giản đã học được, đây là phản xạ có điều kiện.

Trong giới động vật, chỉ có loài chim (nhất là những loài biết hót) là có thể bắt chước âm thanh của đồng loại và tiếng kêu của các động vật khác. Còn học nói tiếng người chỉ giới hạn ở vài loài biết hót, như vẹt, yểng, khướu.

Vì sao trong bụng nhặng xanh có rất nhiều dòi?


Khi bạn dùng vỉ đập chết một con ruồi nhà, trong bụng nó không có gì. Nhưng khi đánh một con nhặng xanh thì từ bụng nó thường chui ra rất nhiều dòi. Có người nói rằng vì nhặng xanh ăn phân, bụng thối rữa nên mới sinh ra nhiều dòi như vậy...

Có người lại bảo nhặng xanh ăn phải trứng ruồi, và trứng này nở thành dòi trong bụng chúng. Thực ra, cả hai cách nói này đều sai.

Ruồi nhà và nhặng xanh khác nhau ở chỗ: Ruồi nhà đẻ trứng còn nhặng xanh "đẻ con". Nói đúng ra, nhặng xanh không đẻ trứng mà đẻ ra ấu trùng: dòi. Bởi thế, trong bụng một con nhặng mẹ thường có rất nhiều dòi.

Trong thế giới côn trùng, hiện tượng "đẻ con" như nhặng xanh không phải hiếm. Ví dụ, loài rệp cây ký sinh trên các cây lương thực cũng đẻ ra ấu trùng. Tuy nhiên, hiện tượng "mang thai" của côn trùng khác hẳn với các loài động vật có vú. Trứng của động vật có vú rất nhỏ, nhỏ đến mức mắt thường khó nhìn thấy. Nhưng khi được thụ tinh, trứng này sẽ phát triển thành phôi, và phôi ngày một lớn dần thành thai non. Còn trứng của côn trùng lớn hơn rất nhiều, chất dinh dưỡng bên trong đủ nuôi để con non phát triển, không cần mẹ. Thực tế, hiện tượng "đẻ con" của côn trùng chỉ là giả, và về bản chất, nó không khác gì đẻ trứng, chỉ khác chăng một đằng là con non nở trong bụng mẹ, một đằng là nở ở ngoài mà thôi.

Vì sao ong chúa sống lâu gấp 10 lần ong thường?


Có thể bạn sẽ nói rằng, ong chúa sống lâu bởi nó to gấp 3, gấp 4 lần những con ong thợ khác. Hoặc vì nó có nhiệm vụ đẻ trứng và duy trì nòi giống cho cả đàn, nên không được phép chết non... Tuy nhiên, không hẳn đúng như vậy.

Trong đàn thường có 3 loại ong: Thứ nhất là ong thợ. Đó là những con cái không có khả năng sinh đẻ. Chúng chiếm số lượng đông nhất trong đàn, và chuyên đảm nhận những công việc nặng nhọc như xây tổ, kiếm mồi, chăm sóc ong con, chống kẻ thù. Loại thứ hai là ong đực. Chúng cũng phải kiếm ăn và xây tổ, nhưng ít nặng nhọc hơn ong thợ. Và thứ ba là ong chúa.

Trong đàn chỉ có ong chúa là có quyền đẻ trứng. Vì thế, nó được nâng niu và bảo vệ rất cẩn thận. Trong khi các con khác phải bươn trải bên ngoài để kiếm thức ăn, thì ong chúa chỉ nằm trong tổ, "mưa không tới mặt, nắng không tới đầu". Nó được cung phụng loại mật hoa ngon nhất. Cho dù cả đàn ong phải nhịn đói thì ong chúa vẫn no đủ. Cả cuộc đời, ong chúa hầu như không phải chạm trán với kẻ thù. Có lẽ vì vậy mà ong chúa có thể sống hết tuổi thọ của nó (5-6 năm), trong khi các con ong khác chỉ sống được 6 tháng đến một năm mà thôi.

Tại sao lúc ngáp lại chảy nước mắt?


Khi ngáp, cơ mặt, lưỡi và họng của chúng ta co mạnh, làm tăng áp lực trong khoang miệng. Áp lực này ảnh hưởng đến khoang mũi, tạm thời ngăn đường thoát của nước mắt xuống mũi, do đó nước từ tuyến lệ tràn ngược vào trong mắt, khiến mắt ta đầm đìa.

Nguồn nước mắt do đâu mà có? Trong khoang mắt, bên trên và dưới mỗi con mắt đều có một tuyến lệ, chỉ bằng hạt đậu thôi, hình tròn dẹt, có thể sản sinh ra nước mắt. Tuyến lệ có ống thoát nước chảy vào bề mặt con mắt, giữ cho giác mạc và kết mạc lúc nào cũng ướt. Nước mắt cũng có thể trào ra để rửa sạch bụi bẩn lọt vào mắt, đồng thời sát trùng, cho nên nó được coi là một “vệ sĩ”.

Thông thường, tuyến lệ chỉ tiết ra một ít nước mắt. Ban ngày lúc thức, trong vòng 16 giờ, tuyến lệ tiết ra khoảng 0,5- 0,6 g nước mắt. Khi ngủ mắt nhắm lại, tuyến lệ coi như ngừng làm việc. Nếu thế, hai con mắt lúc nào cũng đầm đìa nước ư? Điều kỳ diệu của con người chính là ở chỗ đó, vừa có bộ phận sản xuất lại có bộ phận tiêu thụ. Ở góc trong mỗi con mắt (y học gọi là nội xế) đều có các lỗ nhỏ thu thập nước mắt, thông xuống mũi. Nước mắt đi xuống hoà cùng với nước mũi sẽ chảy ra ngoài.

Khi người ta mệt mỏi hoặc lâu không thở không khí tươi mới, trong cơ thể tích đọng quá nhiều CO2, kích thích thần kinh phản xạ, nên mới ngáp. Cùng với động tác này, một khối khí lớn từ miệng trút ra, sinh áp lực trong miệng, ảnh hưởng đến khoang mũi, tạm thời ngăn đường thoát của nước mắt, do đó nước mắt từ tuyến lệ tràn vào mắt.

Thực ra, không chỉ có ngáp, mà những động tác làm co cơ mặt khác, ví dụ cười ngặt nghẽo, hắt hơi, ho, nôn… đều có thể làm chảy nước mắt. Ngoài ra, đôi khi bụi vào mắt, khói, ánh sáng chói, gió lạnh cũng có thể tạo ra tình huống tương tự. Cũng vì thế, khi chảy nước mắt bao giờ cũng kèm theo nước mũi chảy dài. Tại sao vậy, chắc các bạn cũng suy luận được rồi.

Vì sao người ngã xuống Biển Chết không chìm?


Bơi lội trong Biển Chết bạn đừng bao giờ lo chết đuối, bởi vì hàm lượng muối trong nước biển ở đây cao tới 270 phần nghìn. Tỷ trọng nước biển còn lớn hơn cả tỷ trọng người bạn. Vì thế ta có thể nổi trên biển như một tấm gỗ.

Nhưng tại sao trong khi hàm lượng muối trung bình của nước biển trên tầng mặt các đại dương chỉ có khoảng 35 phần nghìn, còn hàm lượng muối trong Biển Chết lại cao đến vậy?

Giở bản đồ ra chúng ta sẽ thấy Biển Chết nằm ở vùng biên giới phía tây của Jordan, là chiếc hồ thấp nhất thế giới, lọt thỏm trong vùng có địa hình xung quanh tương đối cao. Thực ra, Biển Chết không phải là biển thực sự mà chỉ là một cái hồ không có đường ra, với một số con sông không lớn mang nước đổ vào. Chính đặc điểm này đã quyết định tính chất của nó.

Chung quanh các sông chảy vào Biển Chết phần lớn là sa mạc và nham thạch đá vôi. Các tầng nham thạch đó có chứa rất nhiều muối khoáng. Vì thế, nước sông chảy vào Biển Chết đều có hàm lượng muối rất cao. Do biển không có đường ra nên những khoáng chất này đều bị giữ lại toàn bộ. Đồng thời Jordan lại là vùng hanh khô, ít mưa. Mặt trời gay gắt không ngừng làm cho nước trong cái “vũng" kín này bốc hơi rất mạnh.

Trong khi đó, một nguồn nước chính của Biển - sông Jordan - lại bị rút bớt đáng kể để phục vụ tưới tiêu. Tháng năm qua, hàm lượng muối trong biển ngày càng nhiều, ngày càng đậm đặc. Kết quả là trong thuỷ vực này, trừ một vài vi khuẩn, không có sinh vật nào tồn tại được, vì thế nó mới được mang cái tên không lấy gì đẹp đẽ - Biển chết.

Vì sao đêm mùa hè có nhiều sao hơn đêm mùa đông?


Những đêm hè trời quang, nhìn lên bầu trời chúng ta sẽ thấy chi chít các vì sao và rành rành là nhiều hơn hẳn so với đêm mùa đông. Tại sao vậy? Lý do là mùa hè chúng ta đứng ở gần trung tâm ngân hà, nơi có nhiều sao nhất, còn mùa đông, trái đất của chúng ta đứng ở rìa ngân hà, nơi có ít sao hơn.

Trong hệ ngân hà của chúng ta (Milky Way) có khoảng 100 tỷ sao và chủ yếu phân bố trong một chiếc “bánh tròn”. Phần giữa chiếc bánh này hơi dầy hơn chung quanh. Ánh sáng đi từ phía mép “bánh” bên này đến phía bên kia phải mất 10 vạn năm ánh sáng, đi từ mặt trên xuống mặt dưới bánh cũng phải mất 1 vạn năm ánh sáng.

Mùa hè, chúng ta ở gần trung tâm ngân hà, nên ban đêm thấy nhiều sao hơn. Mùa đông, chúng ta ở về phía đối diện, nhìn thấy ít sao hơn.

Mặt trời và những hành tinh láng giềng của hệ mặt trời đều nằm trong hệ ngân hà. Hầu hết những sao mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường cũng đều nằm trong đó. Nếu mặt trời nằm giữa hệ thì dù chúng ta nhìn từ phía nào cũng thấy số lượng sao trên trời nhiều như nhau. Thế nhưng hệ mặt trời cách trung tâm hệ ngân hà khoảng 3 vạn năm ánh sáng. Khi chúng ta nhìn về phía trung tâm ngân hà sẽ thấy ở khu vực đó dày đặc các vì sao. Ngược lại, nếu nhìn về phía đối diện trung tâm ngân hà sẽ chỉ nhìn thấy một số ít sao trong một phần của hệ.

Trái đất không ngừng quay quanh mặt trời. Về mùa hè trái đất chuyển động đến khu vực giữa mặt trời và hệ ngân hà gọi là Đới ngân hà. Đới ngân hà là khu vực chủ yếu của hệ ngân hà, tập trung nhiều sao của hệ. Bầu trời đêm hè chúng ta nhìn thấy chính là Đới ngân hà dày đặc các vì sao. Về mùa đông và các mùa khác, khu vực Đới ngân hà nằm về phía trái đất đang ở ban ngày, nên rất khó nhìn thấy. Còn ở mặt kia của trái đất (vùng đang là đêm) sẽ không thể nhìn thấy nó.

Vì sao chim én bay thấp thì trời mưa?


Vào cuối xuân đầu hạ, khi đi chơi ngoài đồng, nếu thấy chim én bay thành đàn sà thấp xuống mặt đất thì thường sau đó, trời sẽ mưa. Không lẽ chim én có khả năng dự báo thời tiết?

Nguyên nhân là trước lúc trở trời, trong không khí có nhiều hơi nước, đọng vào những bộ cánh mỏng của côn trùng, làm tăng tải trọng, khiến chúng chỉ có thể bay là là sát mặt đất.

Trong số các côn trùng này có loài lớn như chuồn chuồn, nhưng cũng có các loài mối, muỗi nhỏ mà chúng ta không nhìn thấy. Ngoài ra vì áp thấp, ngột ngạt, nên nhiều loài sâu bọ cũng chui lên khỏi mặt đất. Chim én bay xuống thấp chính là để bắt những côn trùng, sâu bọ này. Cho nên, cứ mỗi khi thấy chim én bay thành đàn sà xuống, người ta lại nói rằng trời sắp có mưa.

Vì sao lá trên ngọn rụng cuối cùng?


Ở miền ôn đới, mỗi khi mùa thu đến, cây thay màu lá từ xanh sang vàng, cuối cùng trút nốt chiếc áo này, trần trụi đón mùa đông tới. Nếu chú ý một chút, bạn sẽ thấy lá trên cành chính đổi màu trước tiên, sau đó lan dần đến ngọn cây, ngọn cành. Rụng lá cũng vậy, rụng ở dưới trước, càng lên trên ngọn, lá càng rụng chậm.

Có thể bạn sẽ nói, đó là hiện tượng tự nhiên của giới sinh vật, già trước chết trước. Lá phía dưới ra trước lá đầu cành nên rụng sớm hơn. Đây cũng là một cách giải thích, nhưng còn có cách hiểu sâu hơn.

Trong quá trình sinh trưởng, mọi cây cối đều vươn tới sự phát triển đầy đủ nhất, cho nên nó luôn đưa nhiều thức ăn lên ngọn để tăng nhanh sự sinh trưởng. Ngọn cành do được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nên vươn dài mãi ra, khi ấy lá cây cũng mọc dần theo, lá cũng lại phát huy tác dụng tạo ra chất dinh dưỡng. Khi ngọn cây lớn đến một mức độ nhất định, sinh trưởng sẽ chậm dần lại. Lúc này cây rụng lá là do hai điều kiện: Bên trong, việc cung cấp dinh dưỡng bị hạn chế và bên ngoài, điều kiện thời tiết thay đổi theo chiều hướng không có lợi, chức năng tổng hợp thức ăn của lá kém dần, lá không tồn tại được nữa, rơi lả tả.

Nhưng mặc dù vậy, bộ phận ngọn cây vẫn được ưu tiên chăm sóc, thức ăn được cung cấp nhiều nhất, nên dù cây ngừng đưa thức ăn lên ngọn, nhờ vào lượng dự trữ nó vẫn sinh tồn thêm một thời gian. Đồng thời trong lúc đó, chất diệp lục trong lá cây chưa bị phá huỷ, vẫn tổng hợp được một số chất dinh dưỡng. Như vậy, lá trên ngọn cây sẽ rụng muộn hơn ở các bộ phận khác trên cây.

Có phải nam thông minh hơn nữ?


Chuyện này quả là khó nói. Về tổng thể, trí thông minh của nam và nữ tương đương nhau, tuy nhiên, mang các sắc thái khác nhau. Chẳng hạn, phái nam mạnh hơn trong khả năng tri giác không gian. Do đó, việc tìm hướng, dò đường, họ hơn hẳn nữ một bậc. Nhưng về khả năng thính giác, phái yếu lại vượt xa.

Vì thế, nữ phân biệt và định vị âm thanh, nhất là khả năng nghe giọng cao, hơn hẳn nam. Về khả năng ngôn ngữ, nữ cũng phát triển sớm hơn. Do đó, họ đọc, viết, nói năng và phát âm lưu loát, rõ ràng hơn nam giới, nhưng lại khiêm tốn hơn về số lượng từ vựng, tính suy diễn và logic. Bài làm văn, nữ thường mô tả chi tiết và có màu sắc hơn, còn nam thường có ý lạ, bố cục nhiều biến đổi, góc cạnh hơn.

Về mặt tư duy, nam thiên về tư duy logic, trừu tượng, nữ lệch về tư duy hình tượng cụ thể. Óc tưởng tượng của nam, đa số thuộc quan hệ giữa vật và vật theo hướng logic, còn trí tưởng tượng của nữ lại lệch về quan hệ giữa người với người theo hướng hình tượng. Về trí sáng tạo, theo kinh nghiệm, nam có vẻ khá hơn một chút. Các em nam thích đi sâu nghiên cứu, khả năng suy luận tương đối mạnh, dễ dàng phản bác, phủ định cái được nêu ra hoặc liên hệ với những cái khác. Nữ thường bị gò bó trong khuôn khổ cứ theo "tiêu chuẩn" mà làm. Điều này cũng có thể giải thích tại sao trong số các nhà khoa học và phát minh, nữ tương đối hiếm hoi.

Sự khác biệt này còn phân theo lứa tuổi. Nghiên cứu cho thấy, trước tuổi đi học, trí thông minh của hai giới không rõ rệt. Từ tuổi đến trường cho đến tuổi dậy thì, các cô bé nhanh nhạy hơn hẳn các bạn khác giới. Qua tuổi này, ưu thế của nữ giảm xuống trong khi trí thông minh của phái mày râu lại tăng lên. Thông thường sau 20 tuổi, trí thông minh của cả hai giới lại không có biến đổi rõ theo tuổi nữa.

Vì sao mặt trời lặn vào mây thì đêm sẽ mưa?


Vào lúc xẩm tối, nếu xuất hiện những đám mây đen lớn sát đường chân trời, gió thổi mạnh, mặt trời dường như lặn vào trong những đám mây ấy, thì thường là đến nửa đêm trời sẽ mưa.

Để giải thích hiện tượng này, trước hết chúng ta phải biết, vì sao mặt trời lặn vào trong đám mây. Đó là vì có những đám mây nóng di chuyển qua đường chân trời phía tây. Hệ mây này có thể là mây tầng cao hoặc mây vũ tầng - chứa nhiều hơi nước.

Mây vũ tầng tập trung sát đường chân trời phía tây, dưới tác dụng của nhiệt độ, sẽ lan rộng và di chuyển tới khu vực người quan sát. Vào lúc nửa đêm, mây sẽ tích tụ lại khi nhiệt độ hạ xuống thấp nhất, lúc đó sẽ có mưa.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp mặt trời lặn vào trong mây, nhưng khi mây tầng cuộn lên cao, ở phần dưới lộ ra một khoảng trống rỗng. Khi đó, tuy có hiện tượng mặt trời lặn vào trong mây, nhưng lại không phải điềm báo trời mưa. Chỉ khi nào những đám mây đen lớn phủ kín sát đường chân trời, thời tiết mới có thể thay đổi và trời sẽ mưa.

( U mún đọc nữa thì vào phần2 trong blog của mình nhé,tks)

You Might Also Like

0 nhận xét: